Bê bối Facebook đặt ra yêu cầu về vai trò của quản lý của chính phủ
Biểu tượng mạng xã hội Facebook trên màn hình máy tính.
Theo nhà phân tích Bob O'Donnell, người đứng đầu hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường TECHnalysis Research của Mỹ, cuộc khủng hoảng về quyền riêng tư của người dùng Facebook, mạng xã hội đình đám nhất thế giới, cho thấy các công ty truyền thông xã hội có thể không đủ khả năng xử lý phù hợp dữ liệu của người dùng. Do đó, Chính phủ Mỹ cần vào cuộc nhằm đảm bảo quyền riêng tư về thông tin cá nhân của mỗi công dân “ở một mức độ nhất định.”
Theo ông O'Donnell, chính quyền liên bang cần đẩy mạnh các nỗ lực buộc các công ty truyền thông thiết lập các cơ chế tốt hơn để bảo vệ dữ liệu của người dùng. Ngoài ra, các công ty này cũng cần có các biện pháp nhằm lấy lại niềm tin của người sử dụng.
Chuyên gia trên đồng thời cảnh báo đa số người dùng mạng xã hội đều không nhận ra rằng dữ liệu của họ đang bị sử dụng, và tại sao các trang mạng xã hội có thể thu thập các dữ liệu này.
Theo ông O'Donnell, các cư dân mạng cần cân đối giữa nhu cầu giao tiếp và những thông tin mà họ chia sẻ lên mạng xã hội. Ông cũng khẳng định vụ bê bối một mặt cũng giúp nâng cao nhận thức của người dùng về vấn đề bảo mật, và điều này sẽ dẫn tới những thay đổi.
Facebook đang đối mặt với “búa rìu” dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu liên quan tới thông tin cho rằng Cambridge Analytica, hãng phân tích dữ liệu của Anh được êkíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook.
Có thông tin rằng doanh nghiệp này đã thu thập thông tin trên nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2016.
Cổ phiếu của Facebook đã giảm gần 18% kể từ ngày 16/3, khi mạng xã hội này lần đầu thừa nhận dữ liệu người dùng đã bị Cambridge Analytica truy cập bất hợp pháp, khiến trị giá thị trường của công ty “bốc hơi” gần 100 tỷ USD./.
Ý kiến ()