BCG: Kinh tế số của ASEAN phụ thuộc vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Boston Consulting Group dự đoán giá trị các ngành kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á, như thương mại điện tử, sẽ tăng từ mức 300 tỷ USD hiện tại lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Chủ tịch công ty tư vấn quản trị Boston Consulting Group (BCG), ông Rich Lesser, nhận định các nước châu Á đang đứng trước cơ hội phát triển một nền kinh tế số, nhưng quá trình này còn phụ thuộc vào việc nâng cấp năng lực của lực lượng lao động.
BCG dự đoán giá trị các ngành kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á, như thương mại điện tử, sẽ tăng từ mức 300 tỷ USD hiện tại lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, theo ông, nếu Đông Nam Á dựng được các nền tảng đúng đắn, con số này có thể còn tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ USD.
Ông Lesser cho rằng quá trình chuyển đổi số này sẽ tái định hình toàn bộ các ngành, từ các lĩnh vực công nghệ như phần mềm, viễn thông và trí tuệ nhân tạo, đến các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nông nghiệp.
Ông dự đoán quá trình này sẽ tạo ra những sự thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp, vừa thúc đẩy năng suất lao động, vừa mở ra các động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch BCG khuyến nghị khu vực Đông Nam Á phải đầu tư xây dựng mạnh mẽ nguồn “vốn nhân lực” để tận dụng tiềm năng tăng trưởng số. Việc tái đào tạo kỹ năng không chỉ là định hướng lao động làm việc về phần cứng, phần mềm, hay trong các công ty viễn thông, mà còn là việc đào tạo cho các nhân viên y tế biết cách sử dụng công nghệ, hay nhà nông ứng dụng công nghệ.
Theo ông Lesser, giống với các khu vực khác trên thế giới, ASEAN sẽ phải đầu tư nâng cao và tái đào tạo kỹ năng cho thế hệ lao động hiện tại và cung cấp các thể loại học tập và phát triển kỹ năng khác nhau cho giới trẻ để giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số.
Nhiều báo cáo đều đã nêu bật khoảng cách năng lực kỹ thuật số có điểm nhân tài và kỹ năng kỹ thuật số thấp. Một báo cáo năm 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về trình độ kỹ thuật số trong các hệ thống giáo dục ở ASEAN cho thấy "đa số giới trẻ ở ASEAN có trình độ kỹ thuật số vừa phải, nhưng có sự chênh lệch giữa từng nước.”
Ông Pavida Pananond, giáo sư về kinh doanh quốc tế của Đại học Thammasat ở Bangkok (Thái Lan) chỉ ra rằng việc nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động là trách nhiệm của cả chính phủ và khu vực tư nhân của các nước.
Còn Chủ tịch BCG cho hay, ASEAN giờ đây là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng với Trung Quốc nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung, trong bối cảnh giới doanh nghiệp và các quốc gia đang tìm cách xây dựng các chuỗi cung ứng đa dạng hơn. Vì thế, ông nhận định việc mở rộng nền kinh tế số ở ASEAN sẽ củng cố vị thế của khối này trong nền kinh tế toàn cầu trong 10 năm tới.
Một nghiên cứu của Nikkei cho thấy giá trị thị trường của các công ty công nghệ và các nhà cung cấp thiết bị điện tử ở khu vực Đông Nam Á đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong khi các doanh nghiệp trụ cột của khu vực này lại sa sút.
Những doanh nghiệp này tập trung ở sáu nền kinh tế chính ở khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Delta Electronics (Thái Lan), một công ty con của tập đoàn Delta Electronics của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), đã chứng kiến vốn hóa thị trường tăng gấp 18 lần kể từ cuối năm 2019 lên 41,1 tỷ USD.
Nhà sản xuất này hiện đứng thứ hai trong số các công ty Đông Nam Á được khảo sát, tăng từ vị trí thứ 134 trong năm 2019, vượt trội hơn so với những “gã khổng lồ” lâu đời như tập đoàn CP hàng đầu Thái Lan.
Để đối phó với những bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Delta Electronics đã chuyển trọng tâm sản xuất linh kiện điện tử từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc giảm được những rủi ro, các nhà đầu tư còn kỳ vọng Delta Electronics (Thái Lan) sẽ nắm bắt được nhu cầu từ ngành công nghiệp xe điện.
Công ty trò chơi và thương mại điện tử Sea của Singapore đứng thứ ba trong bảng xếp hạng của Nikkei, leo từ vị trí thứ 20 trong năm 2019 sau khi nắm bắt được nhu cầu ở nhà trong đại dịch. Nền tảng chính của Sea là Shopee đã phát triển trở thành dịch vụ bán hàng trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á.
Tăng trưởng doanh số bán hàng của Sea chững lại sau khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và công ty đã tiến hành cắt giảm nhân sự hàng loạt trong năm 2022 nhằm nỗ lực có lãi. Mặc dù vậy, vốn hóa thị trường của Sea đã tăng gần gấp ba lên 34,6 tỷ USD kể từ cuối năm 2019.
Ngược lại, vốn hóa thị trường của các tập đoàn lớn và công ty thuộc sở hữu nhà nước ở Đông Nam Á lại mờ nhạt. PTT, tập đoàn năng lượng do Chính phủ Thái Lan kiểm soát, dẫn đầu tất cả các công ty Đông Nam Á vào cuối năm 2019, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ sáu. Giá trị thị trường của PTT đã giảm hơn 30% trong khoảng thời gian đó xuống còn 29,2 tỷ USD.
CP All, đơn vị bán lẻ chủ chốt của CP Group, đã tụt từ vị trí thứ 8 năm 2019 xuống vị trí thứ 15 hiện tại khi vốn hóa thị trường giảm 23% xuống còn 16,6 tỷ USD. CP All phụ thuộc lớn vào Thái Lan và các nhà đầu tư không hài lòng về sự chậm trễ trong việc mở rộng sang các nước láng giềng.
Tại Singapore, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Singtel đứng thứ tư với vốn hóa thị trường là 33 tỷ USD. Công ty này đã duy trì thứ hạng đã nắm giữ vào năm 2019. Singapore Airlines có vốn hóa thị trường là 16,8 tỷ USD, tăng lên vị trí thứ 14 từ vị trí thứ 74.
Các công ty Philippines phần lớn đi theo hướng khác. Tập đoàn SM Investments điều hành các hoạt động bán lẻ và bất động sản. Hơn 70% Tổng sản phẩm quốc nội của Philippines đến từ chi tiêu của người tiêu dùng, song tiêu dùng vẫn phải vật lộn để phục hồi./.
Ý kiến ()