Bảy giải pháp đổi mới thi THPT quốc gia năm 2019
Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi Trường THPT số 1 Sa Pa (Lào Cai) trong kỳ thi THPT quốc gia, năm 2018.
Ngày 17-9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) họp Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2018. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố nhằm đề xuất các giải pháp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Lo cán bộ coi thi không tương đồng năng lực
Theo Bộ GD-ĐT, kết thúc kỳ thi 2018, một số tỉnh, thành phố đã đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, lỗ hổng trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Theo đó, đối với công tác đề thi, các địa phương cho rằng, đề thi có một số câu quá khó, phạm vi kiến thức rộng; nội dung đề thi cần phù hợp thời gian làm bài của thí sinh. Đề nghị đề thi cần tiếp tục xây dựng theo hướng bảo đảm phân hóa, phát huy tính sáng tạo học sinh, phù hợp xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Xem xét việc in sao đề thi dự phòng kỳ thi THPT quốc gia, tránh lãng phí. Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn cụ thể về cấu trúc nội dung đề thi năm 2019 và định hướng nội dung ôn tập cho học sinh.
Trong khi đó, đối với công tác coi thi, cán bộ tham gia tổ chức thi không tương đồng về năng lực, nghiệp vụ nên có những cách xử lý khác nhau khi làm nhiệm vụ. Đề nghị tăng cường tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ thi, nhất là cho đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng. Thời gian nghỉ giữa các môn thành phần trong bài thi tổ hợp là quá ít (10 phút), chỉ đủ thời gian thu bài, giấy nháp, đề thi…
Đối với công tác chấm thi, cần quy định chi tiết hơn việc cách ly đối với làm phách và chấm thi; tăng cường khâu giám sát chấm thi, nhất là chấm thi trắc nghiệm. Cần bố trí các phương tiện kỹ thuật cao như camera giám sát quá trình chấm thi; chấm chéo bài thi; chấm bài thi trắc nghiệm theo cụm; cán bộ giám sát chấm thi trắc nghiệm phải có trình độ tốt về công nghệ thông tin.
Bộ GD-ĐT chỉ nên giao các sở GD-ĐT khâu coi thi; khâu chấm thi giao các trường đại học có năng lực, uy tín. Cần phát hiện và báo lỗi trùng mã đề thi trong cùng phòng thi, tránh tình trạng khi phúc khảo mới biết thí sinh tô sai mã đề. Hoàn thiện phân hệ quản lý phách độc lập trong phần mềm quản lý thi. Các hội đồng thi gửi file quét phiếu trả lời trắc nghiệm về Bộ GD-ĐT trước khi gửi đĩa CD1. Bổ sung tính năng chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm trên phần mềm.
Các địa phương cũng kiến nghị, Bộ GD-ĐT duy trì phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ổn định đến năm 2020, tránh xáo trộn cho học sinh. Chỉ có một địa phương (Lạng Sơn) đề nghị giao quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT tổ chức thi xét công nhận tốt nghiệp; chỉ các thí sinh có nguyện vọng tiếp tục học đại học, cao đẳng mới tham gia kỳ thi THPT quốc gia hoặc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; điều chỉnh mức chi cho kỳ thi THPT quốc gia.
Cấu trúc lại bài thi tổ hợp
Trước những bất cập của kỳ thi THPT 2018, năm 2019, Bộ GD-ĐT dự kiến bảy giải pháp thực hiện kỳ thi hiệu quả. Trong đó, Bộ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi, làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu kỳ thi. Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó; bảo đảm đề thi phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh.
Bộ GD-ĐT hoàn thiện phân hệ quản lý phách độc lập trong phần mềm quản lý thi để tăng cường tính bảo mật trong chấm thi tự luận; hoàn thiện phần mềm chấm trắc nghiệm để ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi.
Đồng thời, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, thực hiện chấm thi theo cụm, tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh, kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của các địa phương đối với các hội đồng thi.
Tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi; tăng cường huy động các trường đại học, cao đẳng có năng lực và điều kiện, uy tín tham gia phối hợp tổ chức thi. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc các trường đại học, cao đẳng không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương nơi trường đóng.
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ nghiên cứu áp dụng một số điều chỉnh kỹ thuật trong tổ chức thi. Cụ thể, cấu trúc lại trật tự các môn thi thành phần trong các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Sinh học, Hóa học, Vật lý) và Khoa học xã hội (Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử) nhằm hạn chế tình trạng thí sinh sử dụng thời gian làm bài của môn thi thành phần này để làm bài môn thi thành phần khác lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.
Quy định chi tiết theo hướng yêu cầu cao hơn việc lưu trữ đề thi, bài thi tại các điểm thi; quy định rõ trách nhiệm quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi cho phó trưởng điểm thi phụ trách chuyên môn là cán bộ trường đại học, cao đẳng, thư ký điểm thi, cán bộ PA83 tại điểm thi…
Ý kiến ()