Bầu Kiên, VFF và thói hư tật xấu bóng đá Việt
Không hiểu sao câu chuyện của bầu Kiên và VFF những ngày qua, cứ làm tôi nhớ tới những thói hư tật xấu của người Việt được các bậc trí sĩ yêu nước một thời nói tới ở xã hội nửa thực dân phong kiến, nửa đầu thế kỷ 20.
1.Nguyễn Văn Huyên trong phần nói về vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ năm 1939 viết: “Tầng lớp trên ở nông thôn, các kỳ mục (những người có điển sản hoặc từng có phẩm hàm và chức vụ tập hợp lại làm nên hội đồng kỳ mục, có nhiệm vụ đề ra các chủ trương chung của làng xã.) trong làng, phản đối mọi cuộc cải cách thực sự và sâu sắc. Đây là những người đã trả giá trong hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm để củng cố địa vị xã hội của mình. Họ đã ở tuổi có thể bình thản ngồi xếp bằng trên những manh chiếu trải giữa đình để đánh giá cung cách người ta phục vụ họ ăn uống ra sao. Nếu có ai dám nghĩ đến chuyện thực hiện một cuộc cải cách nào đó thì người ấy chắc chắn chuốc lấy những mối hiềm thù không thương xót.”
Bầu Kiên khi đã vạch trần bộ mặt của bóng đá nước nhà ngay trước mặt các “kỳ mục” – những người đã phải “trả giá” trong nhiều năm để củng cố địa vị hẳn đã sẵn sàng đón nhận cái gọi là “những mối hiềm thù không thương xót” !?
Cải cách được nổi không ông Kiên và người hâm mộ? (Ảnh: VFF) |
2.Quốc dân độc bản, tài liệu do Đông Kinh Nghĩa thục soạn năm 1907 nói về cái sự “mong tìm yên lành, hóa ra bảo thủ” như sau: “Trải qua các đời, dân ta chịu sự cai trị của vua quan, không có thể dùng tâm và mưu cho nước, nước tự nó sống còn. Trên có vua hiền tướng giỏi thì tạm thời yên ổn. Bất hạnh là không có vua hiền tướng giỏi thì cả nước loạn ly, nhân dân lầm than. Từ xưa đến nay, sở dĩ có ít ngày được bình trị, mà có lắm cuộc loạn ly, nguyên nhân là ở đó.
Dân nước ta có ưu điểm là an phận, thành thực, nhẫn nại. Không biết lợi dụng những ưu điểm ấy thì sẽ sinh ra ba cái tệ. Một là bảo thủ mà không biết tiến thủ. Hai là dựa vào người mà không biết tự lập. Ba là yên thân mình nhà mình, mà không biết ái quần ái quốc. Không trừ ba cái tệ đó thì dù có vua hiền tướng giỏi cũng chỉ bình trị nhất thời mà thôi, sao có thể chống chọi với các nước lớn được. Ngày nay phải nghĩ đến tự cường thì ngày sau mới tự cường được.”
Nước ta ngày nay đã hòa bình mấy mươi năm, đổi mới mấy mươi năm và tự cường mấy mươi năm. Nhưng tàn dư của cách nghĩ cũ, tâm lý cũ vẫn còn ẩn hiện đâu đó trong đời sống xã hội. Cách tổ chức, điều hành bóng đá là một thể của tàn dư ấy.
Bóng đá là một trò chơi, nhưng có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần người Việt hôm nay. Sự tồn tại của cái “mong yên lành, hóa ra bảo thủ” ở đa phần người hâm mộ và ở một bộ máy điều hành cuộc chơi đang làm cho bóng đá nước nhà vốn đã ốm yếu lại càng thêm suy nhược.
Ai làm được lên đi! (Ảnh: Quang Minh) |
3.Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bầu Kiên cùng lời “tuyên chiến” để hướng đến sự cái cách là điều đáng mừng. Nhưng trở lực nào sẽ ngăn cản mong muốn của ông? Xin thưa có nhiều lý do trong đó có lý do mà Vũ Văn Hiển từng nói trong việc cai trị ở thôn quê, năm 1945, được liệt vào những thói hư tật xấu của người Việt. Đó là tinh thần “độc tôn bè đảng”.
Thời ông Văn Hiển viết việc cai trị ở thôn quê, năm 1945, ông còn lo ngại cái sự “không hình thành nổi một dư luận sáng suốt”. Cụ thể ông viết: “…một trở lực nữa ngăn cản mọi công việc cải cách ở thôn quê là dư luận trong làng, một thứ dư luận mạnh mẽ, ác nghiệt và mù quáng. Nhiều việc cải cách đã quyết định rồi đành bỏ dở chỉ vì người thừa hành sống trong làng xóm, không thể chịu đựng được những dị nghị chế giễu mà hàng chục hàng trăm người nhắc lại ở khắp đầu làng cuối ngõ. Đã không có quyền bắt mọi người im, lại sống luôn với những người đó, hương chức tránh sao nổi ảnh hưởng của dư luận và sau vài ba tháng làm việc, người hăng hái đến đâu cũng đành “dĩ hòa vi quý”, bỏ hẳn những ý định của mình để sống theo nếp cũ.”
Nhưng thời nay thì trở lực này hoàn toàn có giá trị ngược lại. Sự “suy nhược” của một nền bóng đá rất cần những dư luận bởi lâu nay, khi dự luận trào sôi, người ta lại mánh khóe đẩy nó xuống một cách dễ dàng bằng việc “lờ đi”.
Suy đến cùng, những gì bầu Kiên nói rất có thể sẽ “chết yểu” nếu tiếng nói của dư luận, cụ thể là người hâm mộ bóng đá nước nhà chưa được tôn trọng. Vậy để giá trị tiếng nói của người hâm mộ được tăng lên, thì cần phải hình thành một dư luận sáng suốt, mạnh mẽ, thậm trí ác nghiệt mới mong cải cách thực sự bóng đá nước nhà.
Ý kiến ()