Bầu cử tại Đức: Chìa khóa nằm ở trong tay các cử tri
Ngày 22/9, gần 62 triệu cử tri đủ tư cách sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 598 nghị sỹ Quốc hội nhiệm kỳ 18 tại Cộng hòa Liên bang Đức. Cuộc tổng tuyển cử cũng sẽ xác định thành phần chính phủ cũng như vị thủ tướng tiếp theo chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ngày 22/9, gần 62 triệu cử tri đủ tư cách sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 598 nghị sỹ Quốc hội nhiệm kỳ 18 tại Cộng hòa Liên bang Đức. Cuộc tổng tuyển cử cũng sẽ xác định thành phần chính phủ cũng như vị thủ tướng tiếp theo chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Về lý thuyết, có tới 34 đảng phái tham gia tranh cử, song thực tế đây sẽ là cuộc đua giữa hai đảng đối đầu lớn nhất trong Quốc hội là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
Trong lịch sử 17 kỳ bầu cử Quốc hội Đức, chưa có đảng nào giành được đa số để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ, mà phải tìm kiếm liên minh với ít nhất một đảng khác. CDU và SPD có hai lần duy nhất lập “đại liên minh” cầm quyền là nhiệm kỳ 1965-1969 và 2005-2009. Và trong lần bầu cử này, khả năng rất lớn hai đảng sẽ phải lần thứ ba cùng làm việc trong toà nhà số 1, phố Willy Brandt ở Berlin.
Chiến dịch tranh cử bắt đầu nóng lên sau khi hai đảng lớn nhất CDU và SPD bầu ứng cử viên thủ tướng và nêu cương lĩnh tranh cử của đảng. Các chiến dịch tranh cử của hai đảng diễn ra rải rác tại các khu vực bầu cử trên khắp nước Đức cho tới ngày 21/9, song nổi bật nhất tới nay vẫn là cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa ứng cử viên thủ tướng của CDU, bà Angela Merkel và ông Peer Steinbrück, ứng cử viên của SPD.
Theo quan sát, cuộc tranh luận này, ngoài giới chuyên môn và phân tích chính trị, còn thu hút số lượng kỷ lục cử tri xem trực tiếp qua truyền hình. Ghi nhận của hai kênh Das Erste và ZDF cho thấy đã có tới 40,3% số cử tri theo dõi qua truyền hình cuộc “chạm trán” trực tiếp duy nhất kéo dài 90 phút này.
Hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc đối đầu, ngay khi bước vào tranh luận, hai ứng cử viên đã liên tiếp tung đòn sang phía đối thủ. Chủ đề được đề cập nhiều nhất vẫn là các vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” mà cử tri thực sự quan tâm.
Ứng cử viên Steinbrück cho biết nếu thắng cử, ông sẽ lập lại công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với việc áp dụng mức lương tối thiểu 8,50 euro/giờ, trong khi bà Merkel vẫn bảo lưu chính sách áp dụng mức lương theo từng ngành nghề và do giới chủ cùng các nghiệp đoàn tự thương lượng. Cho tới phiên họp nội các cuối cùng cách đây vài hôm, nội các của bà Merkel cũng đã thông qua mức lương tối thiếu, song khác nhau với từng ngành nghề và vùng miền (Đông-Tây).
Về kế hoạch tăng thuế với những người có thu nhập trên 100.000 euro/năm từ mức 42% hiện nay lên 49% của ứng cử viên SPD, bà Merkel đã lập tức phản đòn, cho rằng việc tăng thuế đánh vào người có thu nhập cao sẽ gây bất lợi đối với nền kinh tế và khả năng kiến tạo việc làm ở Đức.
Liên quan cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bà Merkel cho rằng Hy Lạp có thể cần thêm cứu trợ, song hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình cải cách của Athens . Về phần mình, ông Steinbrück ủng hộ thực hiện một chương trình tái thiết ở châu Âu, thay vì chỉ áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay.
Có lẽ điểm chung nhất xuyên suốt quá trình vận động tranh cử của hai ứng cử viên là chính sách đối với Syria. Cả bà Merkel và ông Steinbrück đều lên án việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, song cùng bác bỏ khả năng Đức tham gia một cuộc tấn công quân sự nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Cuộc bầu cử Quốc hội 2013 được chờ đợi với nhiều bất ngờ và khó dự đoán. Hôm 19/9, kênh truyền hình ZDF lần đầu tiên công bố kết quả thăm dò dư luận chỉ 3 ngày trước ngày bầu cử, thay vì 10 ngày như trước đây. ZDF cho rằng cần phải cho cử tri biết rõ tình hình thực tế, bởi hiện có tới 1/3 số cử tri còn do dự, chưa biết sẽ bỏ phiếu cho nhân vật hay đảng phái nào. Chỉ riêng vụ việc trên cũng cho thấy tính khó dự đoán và quyết liệt của cuộc bầu cử lần này.
Theo kết quả thăm dò, liên minh cầm quyền Đen-Vàng (CDU/CSU-FDP) chỉ nhỉnh hơn đúng 1% số phiếu ủng hộ so với các đảng đối lập là SPD (27%), đảng Xanh (9%) và Cánh tả (8,5%). Vấn đề lớn nhất đối với CDU là liệu đối tác liên minh FDP có vượt qua ngưỡng 5% để có đại diện trong Quốc hội hay không khi đảng này vừa mới đây bị loại khỏi nghị viện bang Bayern.
Một điều gây quan ngại nữa là khả năng đảng “Sự lựa chọn cho nước Đức” (AfD), vốn phản đối đồng tiền chung châu Âu (euro), có thể vào được Quốc hội, đồng nghĩa với việc số ghế trong Quốc hội sẽ bị chia nhỏ hơn, nguy hiểm hơn là kế hoạch phục hưng, bảo toàn đồng euro của bà Merkel có thể sẽ gặp nguy hiểm.
Trong trường hợp liên minh trung hữu của bà Merkel không giành được đa số, rất có thể CDU sẽ phải bắt tay với SPD. Thực tế, CDU và SPD là hai đảng đối địch, song việc lập lại đại liên minh này được cử tri rất hoan nghênh. Theo ông Manfred Guellner – Giám đốc Viện Thăm dò dư luận Forsa, kịch bản một đại liên minh được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi cử tri rất kỳ vọng vào các chính sách hướng tới sự đồng thuận chung và họ mong muốn hai đảng lớn nhất cùng đương đầu với những vấn đề mà nước Đức đang phải đối mặt.
Cho dù đảng nào lên nắm quyền, cử tri Đức cũng như giới quan sát, đặc biệt tại các nước châu Âu, rất kỳ vọng sẽ mang đến một làn gió mới cho quốc gia đầu tầu khu vực châu Âu. Nếu coi những vấn đề như chênh lệch giàu-nghèo, nâng cao điều kiện sống, cải thiện hạ tầng cơ sở… như một cánh cửa còn bị đóng chặt, thì các đảng lên cầm quyền sau cuộc bầu cử chính là chiếc chìa khoá để mở cánh cửa đó./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()