Bầu cử quốc hội tại Romania 1 năm sau khi thủ tướng từ chức
Theo Reuters, ngày 11/12, kết quả hai cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cánh tả của Romania đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này.
Theo kết quả thăm dò của các hãng CURS-Avangarde và IRES, PSD giành được 45,5-45,8% số phiếu ủng hộ, bỏ xa đối thủ đứng sau là Đảng Tự do Dân tộc (PNL) trung hữu với 20,7-21%, trong khi đảng Liên minh Romania cứu nguy (USR) chỉ giành được 8-9,2% phiếu bầu.
Sau khi có kết quả thăm dò trên, cùng ngày, thủ lĩnh PSD Liviu Dragnea cho biết đảng này sẽ bắt đầu đàm phán với đồng minh lâu năm của mình là Liên minh Tự do dân chủ (ALDE) để hình thành phe đa số trong Quốc hội Romania. ALDE được cho là sẽ giành được 6% số phiếu ủng hộ.
Trước đó, ngày 11/12, người dân Romania đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội, 1 năm sau khi Thủ tướng Victor Ponta thuộc đảng Dân chủ Xã hội (PSD) phải từ chức do làn sóng biểu tình phản đối liên quan vụ cháy hộp đêm ở thủ đô khiến hơn 200 người thương vong.
Khoảng 19.000 điểm bỏ phiếu đã mở nhằm phục vụ khoảng 18,8 triệu cử tri đủ điều kiện đi thực hiện nghĩa vụ của mình và sẽ đóng cửa vào 21 giờ (giờ địa phương).
Quốc hội Romania có 136 thượng nghị sỹ và 326 hạ nghị sỹ (trong đó 308 người được bầu và 18 người là đại diện các cộng đồng thiểu số).
Co hơn 6.4470 ứng cử viên tham gia tranh cử. Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào sáng 12/12.
Cuộc bầu cử quốc hội Romania là cuộc đua giữa đảng lớn nhất của Romania, đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cánh tả, đảng Tự do dân tộc (PNL) trung hữu và đảng Liên minh Romania cứu nguy (USR).
Tuy kết quả chưa được công bố, song theo các khảo sát trước thềm bầu cử, PSD tạm dẫn đầu với 40% số phiếu, trong khi hai chính đảng đối lập là PNL và USR chia nhau khoảng từ 35% -40% số phiếu hậu thuẫn.
Nếu như giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội lần này, PSD được dự đoán sẽ thiết lập một liên minh chính phủ với các chính đảng nhỏ.
Gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007, Romania đang chịu sự giám sát nghiêm ngặt của EU liên quan đến vấn đề cải cách tư pháp và chống tham nhũng.
Trong các bản báo cáo thường niên mới đây, Ủy ban châu Âu (EU) đã chỉ trích Quốc hội Romania không bãi bỏ quyền miễn tố đối với một số quan chức cấp cao.
Trong vài năm gần đây, nhà chức trách Romania cũng đã bắt giữ hàng chục quan chức chính phủ cùng các doanh nhân trong nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng trước sức ép từ EU./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()