Bầu cử Quốc hội Pháp: Đảng Cộng hòa Tiến bước công bố 428 ứng cử viên
Ngày 11-5, đảng Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống mới đắc cử Emmanuel Macron công bố danh sách gồm 428 ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng sau. Mục tiêu của Chính phủ sắp kế nhiệm là có đa số để dễ thực hiện các chương trình cải cách như đã cam kết.
Tổng Thư ký Richard Ferrand của phong trào Tiến bước, mới đổi tên thành đảng Cộng hòa Tiến bước, cho biết 52% ứng cử viên được lựa chọn từ tổng số 19.000 hồ sơ đăng ký chưa từng tham gia chính trường. Họ xuất phát từ xã hội dân sự gồm : lãnh đạo các doanh nghiệp, sinh viên, người thất nghiệp và một nông dân, và 214 ứng cử viên là nữ. Thành phần ứng cử viên được hình thành như ông Macron đã khẳng định là đổi mới và đa nguyên chính trị, ở độ tuổi từ 24 đến 72. Danh sách này cũng ít hơn so với dự kiến ban đầu là đủ số ứng cử viên cho 577 ghế tại Quốc hội.
Điểm đáng chú ý là trong danh sách không có cựu Thủ tướng Manuel Valls, người đã đăng ký ứng cử theo đảng Cộng hòa Tiến bước. Lý do đưa ra là ông Valls chưa đăng ký gia nhập đảng này và như vậy không đủ điều kiện. Ngày 9-5, ông Valls đã có tuyên bố gây tranh cãi rằng “đảng Xã hội đã tan rã” nên muốn gia nhập đảng của ông Macron. Ngay sau đó, Tổng Thư ký của đảng Xã hội đã bày tỏ sự tức giận về động thái này, nói rằng sẽ tiến hành các thủ tục có thể dẫn tới việc khai trừ ông Valls. Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của cánh tả, ông Valls không bỏ phiếu cho ông Benoit Hamon, người được bầu làm ứng cử viên tổng thống, mà quay sang ủng hộ ông Macron.
Ông Ferrand cho biết thêm, dù không chấp nhận ông Valls nhưng sẽ không đưa ứng cử viên của đảng này ra cạnh tranh ở cùng khu vực bầu cử của cựu thủ tướng Pháp. Cho tới nay, ông Macron vẫn chưa công bố người sẽ giữ chức vụ thủ tướng.
Một số nhà phân tích cho rằng việc thành lập liên minh hay thỏa thuận với các đảng phái khác để giành được đa số phiếu trong quốc hội không đơn giản. Lý do là thất bại nặng nề vừa qua của hai đảng cầm quyền truyền thống gồm đảng Xã hội và đảng Những người Cộng hòa không có nghĩa là các ứng của viên của những đảng này sẽ tiếp tục bị thua trong tháng sau. Nhiều nhân vật kỳ cựu của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa và đảng trung hữu Liên minh những người Dân chủ – Độc lập không chấp nhận liên minh với đảng của tổng thống mới đắc cử với tư cách cá nhân. Họ muốn có một thỏa thuận giữa hai đảng và ông Macron không chấp nhận. Các đảng khác có số phiếu ủng hộ cao ở vòng một cuộc bầu cử tổng thống cũng đang chờ cơ hội để cạnh tranh vị trí đối lập số một, chiếm đa số tại Quốc hội, có quyền đề cử thủ tướng và buộc tổng thống mới phải chấp nhận phương án “cùng tồn tại và thỏa hiệp”.
Trong hai vòng bầu cử quốc hội vào ngày 11 và 18-5, các ứng cử viên của đảng Cộng hòa Tiến bước sẽ phải đối đầu với những đối thủ thuộc các đảng phái khác, những chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và quen thuộc ở địa phương. Ngay sau khi công bố danh sách này, ông François Bayrou, Chủ tịch đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) liên minh với ông Macron để tạo ra bước ngoặt lịch sử vừa qua, đã tỏ ra không hài lòng và cho rằng cần có sự thống nhất giữa hai đảng để đưa ra danh sách chung cho các đơn vị bầu cử như thỏa thuận cùng bàn cùng làm trong cuộc bầu cử tổng thống.
Theo kết quả thăm dò của Hãng Harris Interactive-Indeed công bố ngày hôm qua, liên minh của đảng Cộng hòa Tiến bước và đảng Modem có thể giành được 29% phiếu ủng hộ, tăng ba điểm so với ngày 7-5. Tiếp đến là liên minh của phe trung hữu gồm đảng Những người Cộng hòa và Phong trào Dân chủ (UDI) cũng như đảng cựu hữu Mặt trận Quốc gia cùng được 20%. Xếp thứ 4 và 5 là phong trào Nước Pháp Bất khuất và đảng Xã hội, 14% và 7%.
Ngày 10-5, Hội đồng Hiến pháp của Pháp chính thức tuyên bố ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống, với 66,1% số phiếu bầu so với tỉ lệ 33,9% của đối thủ Marine Le Pen tại vòng hai bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 7-5. Lễ chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống mãn nhiệm François Hollande và Tổng thống mới đắc cử Emmanuelle Macron sẽ diễn ra vào ngày 14-5, tại Điện Elysée.
Theo Nhandan
Ý kiến ()