Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ: Căng thẳng trước giờ “G”
Hôm nay, 8-11, cử tri Mỹ sẽ tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 quyết định việc đảng nào chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc hội. Đây được đánh giá là một kỳ bầu cử vô cùng quan trọng với chính trường Mỹ trong thời gian tới.
Năm nay, cử tri Mỹ sẽ bầu ra 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện và toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, bên cạnh các vị trí cấp bang và địa phương. Đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện với khoảng cách 8 ghế so với Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, số ghế ở Thượng viện được chia đều cho hai đảng và Phó tổng thống Kamala Harris giữ lá phiếu quyết định trong vai trò là Chủ tịch Thượng viện. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành Chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và Đảng Dân chủ nói chung trong gần hai năm qua. Kết quả bầu cử cũng gửi đi tín hiệu về các chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong hai năm tới.
Tờ New York Times nhận định, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là yếu tố quan trọng tại các bang chiến địa. Do đó, trong những ngày qua, Đảng Dân chủ đã hối thúc cử tri bỏ phiếu sớm cả bằng bỏ phiếu qua thư hoặc trực tiếp tại các khu vực bầu cử để tỷ lệ cử tri đi bầu đạt kết quả cao nhất. Vào những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử, Tổng thống Biden tăng cường vận động tranh cử tại các bang như Pennsylvania, Florida, New Mexico và Maryland. Trước đó, ông Biden cũng đã tới vận động tại 36 khu vực bầu cử.
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022. Ảnh: Getty Images |
Về xu hướng bỏ phiếu, cuộc thăm dò dư luận mới đây do ABC News/Ipsos thực hiện cho thấy, khoảng 50% cử tri Mỹ cho rằng, kinh tế hoặc lạm phát là những vấn đề quan trọng nhất chi phối lá phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ lần này. Trên thực tế, việc nền kinh tế Mỹ phục hồi không như mong đợi sau đại dịch Covid-19 là bước ngoặt khiến cho tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden bị sụt giảm. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC ) khiến giá cả nhiều mặt hàng và lạm phát leo thang, cũng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân Mỹ. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn cử tri vẫn bày tỏ sự thiếu tin tưởng với chính quyền của Tổng thống Biden trong công tác đối ngoại, đặc biệt là sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan và để lại ở quốc gia Nam Á một cuộc khủng hoảng nặng nề về chính trị và nhân đạo dưới sự kiểm soát của lực lượng Taliban.
Tuy đối mặt với vô vàn thách thức trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng những nỗ lực của Tổng thống Biden rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong hoàn cảnh ông phải lãnh đạo một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ. Gần đây, Tổng thống Biden đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua đạo luật giảm lạm phát trị giá hơn 430 tỷ USD. Đạo luật này được xem là thắng lợi quan trọng của Đảng Dân chủ và cá nhân ông Biden trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế, chống biến đổi khí hậu và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vì vậy, những người ủng hộ vẫn tin rằng với bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn được tích lũy qua hơn 50 năm hoạt động chính trị, Tổng thống Biden sẽ biết cách vượt qua khó khăn hiện tại để đưa nước Mỹ cùng Đảng Dân chủ trở lại một cách mạnh mẽ sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nếu để mất quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hai năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden bởi Đảng Cộng hòa có khả năng chặn một số luật về gia đình, phá thai; kiểm soát các ưu tiên khác của Tổng thống Biden; và sẽ thúc đẩy các luật mới để hạn chế nhập cư, chi tiêu, mức trần nợ…
Theo kết quả thăm dò được tờ Washington Post công bố ngày 6-11, Đảng Cộng hòa hiện đang dẫn trước Đảng Dân chủ 14 điểm trong xử lý các vấn đề kinh tế, 12 điểm trong vấn đề lạm phát và giá cả leo thang, 20 điểm về xử lý tội phạm. Trong khi đó, Đảng Dân chủ dẫn trước Đảng Cộng hòa 13 điểm trong vấn đề nạo phá thai và 19 điểm trong vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không đảng nào chiếm lợi thế trong vấn đề nhập cư, bất chấp việc Đảng Cộng hòa đã phát động chiến dịch cứng rắn nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép tăng vọt, đồng thời công kích mạnh mẽ chính sách “mở cửa” biên giới của chính quyền Tổng thống Biden. Đảng nào sẽ chiếm ưu thế ở Quốc hội, kết quả này sẽ được ngã ngũ sau ngày 8-11.
Ý kiến ()