Bầu cử Quốc hội Liban: Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, chưa đạt 50%
Theo số liệu thống kê do Bộ Nội vụ Liban công bố rạng sáng 7/5, số cử tri nước này tham gia bỏ phiếu bầu cử quốc hội ngày 6/5 chỉ đạt 49,2% trong số hơn 3,7 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu.
Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 54% trong cuộc bầu cử quốc hội lần gần đây nhất.
Bộ trưởng Nội vụ Liban Nohad Machnouk cho rằng nguyên nhân khiến tỷ lệ cử tri không được như kỳ vọng là do người dân cũng như những người phụ trách các điểm bỏ phiếu “chưa quen với luật bầu cử mới, khiến tiến trình bỏ phiếu diễn ra quá chậm chạp.”
Trong ngày bầu cử đã xảy ra một số vụ đụng độ nhỏ lẻ tại các điểm bỏ phiếu, tuy nhiên không gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên tại Liban trong vòng 9 năm qua, sau 3 lần trì hoãn (vào các năm 2013, 2014 và 2017). Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế cũng như các thách thức khu vực.
Cuộc bầu cử áp dụng luật bầu cử mới, được thông qua vào tháng 6/2017 sau nhiều năm tranh cãi. Số khu vực bầu cử giảm từ 26 xuống còn 15 khu vực; hệ thống đại diện theo tỷ lệ thay thế hệ thống đa số, qua đó tăng tính “đa dạng giáo phái” của các nghị sỹ trong mỗi khu vực bầu cử. Đây cũng là lần đầu tiên các công dân Liban ở nước ngoài được thực hiện quyền công dân trong cuộc bầu cử quốc hội.
Quốc hội Liban đương nhiệm được bầu năm 2009, gồm hơn 20 đảng chính trị khác nhau, trong đó lớn nhất là Phong trào Tương lai do Thủ tướng Saad al-Hariri đứng đầu, tiếp đến là Phong trào Yêu nước tự do của Tổng thống Michel Aoun, Phong trào Amal của Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri và Phong trào Hezbollah.
Truyền thông Liban dẫn kết quả bỏ phiếu sơ bộ nhận định trong cuộc bầu cử lần này phong trào Hồi giáo Hezbollah và các đồng minh có thể giành được hơn một nửa số ghế trong tổng số 128 ghế tại quốc hội.
Theo hệ thống phân chia quyền lực giữa các phe phái tại Liban, thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni, tổng thống là người Thiên chúa giáo dòng Maronite; chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite và tổng số ghế trong quốc hội được chia đều giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()