Bầu cử Pháp: Tranh cãi kịch liệt trên truyền hình, ứng cử viên Macron ghi điểm
Tối 3-5, hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình TF1 và France 2. Đây là dịp có ý nghĩa quan trọng để thuyết phục những cử tri còn do dự nhưng trong suốt hai tiếng rưỡi, hai ứng cử viên đã không tiếc lời chỉ trích lẫn nhau và ít tập trung vào làm rõ hơn chương trình hành động.
Từ năm 1974 cho đến nay, cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên vào vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp được coi là một trong những thời điểm mang tính chất quyết định trong chiến dịch vận động. Đây là dịp để cử tri hiểu rõ những nội dung trong chương trình tranh cử cũng như cá tính của hai ứng cử viên có khả năng trở thành người đứng đầu nước Pháp trong năm năm tiếp theo.
Đây là cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 2 giữa hai ứng cử viên này, diễn ra ba ngày trước cuộc bỏ phiếu quyết định ai sẽ trở thành Tổng thống Pháp thứ 9 của nền Cộng hòa thứ 5. Nội dung chính là về vấn đề phát triển kinh tế, việc làm, an sinh xã hội, an ninh, giáo dục và đối ngoại.
Là người mở đầu, bà Marine Le Pen đã ngay lập tức công kích đối thủ, nhắc lại ý kiến vẫn đưa ra trong suốt quá trình vận động tranh cử rằng ông Macron chỉ là người “kế thừa” tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande, mà hiện uy tín đã xuống rất thấp sau năm năm cầm quyền. Bà cho rằng mình mới là ứng cử viên của nhân dân, văn hóa và văn minh Pháp, quan tâm tới việc bảo vệ người dân, việc làm và biên giới trước mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cựu đoan.
Đáp lại, ông Macron cũng không tiếc lời chỉ trích quan điểm cực đoan của bà Marine Le Pen cũng như đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) sẽ đưa nước Pháp tới tình trạng bị cô lập, chia rẽ. Lý do là vì chương trình hành động của bà Marine Le Pen không biện pháp cải cách cụ thể để đưa nước Pháp thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay.
Giải quyết vấn đề phát triển kinh tế không phải là thế mạnh của bà Marine Le Pen vì vậy ông Macron phản công bằng câu hỏi là lấy tiền ở đâu để bù vào ngân sách nếu chỉ đưa ra giải pháp giảm thuế. Với chương trình bảo hộ lợi ích của Pháp như bà Marine Le Pen đưa ra, ông Macron cho rằng chỉ có nước Pháp bị thiệt, giảm sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh vì các nền kinh tế EU đều phụ thuộc và mang lại lợi ích cho mỗi nước.
Với đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống còn 60, ứng cử viên của FN không có đáp án cho nguồn ngân sách dự trù khi tiền hưu trí gia tăng. Từ đầu đến cuối, bà Marine Le Pen liên tục xoay quanh lời cáo buộc rằng đối thủ của mình chính là đại diện của giới tài chính và chính phủ hiện nay. Trong khi đó, ông Macron cho rằng chính bà Marine Le Pen mới là người có nhiều “vấn đề” như “tạo việc làm giả” ở Nghị viện châu Âu và là “mối nguy” cho các thể chế của Pháp.
Sang chủ đề an ninh và chống khủng bố, hai ứng cử viên cũng tranh cãi gay gắt vì có hai quan điểm trái ngược hoàn toàn. Bà Marine Le Pen cho rằng ông Macron không có giải pháp nào để ngăn chặn mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố để bảo vệ người dân. Hơn thế nữa, bà khẳng định nếu trúng cử sẽ thực hiện ngay việc đóng cửa biên giới và đưa đồng franc lưu hành trở lại. Tuy nhiên ông Macron cho rằng chính chủ trương bất hợp tác của FN với EU trong việc đưa ra các giải pháp chung của khối này chỉ khiến cho nước Pháp có nguy cơ rơi vào tình trạng chia rẽ, thậm chí là “nội chiến” khi tẩy chay những người Hồi giáo.
Các kênh truyền hình Pháp cho rằng cuộc tranh luận bị hỗn loạn vì tranh cãi, chất lượng không cao. (Ảnh chụp từ màn hình kênh France 2.)
Trong suốt hơn hai tiếng lời qua tiếng lại nhằm hạ thấp hình ảnh của đối thủ, hai ứng viên không thể hiện được nhiều để làm rõ chương trình hành động với các biện pháp có thể đưa nước Pháp vượt qua những thách thức kéo dài như thất nghiệp, phát triển kinh tế, an ninh, an sinh xã hội hay đối ngoại. Hai người dẫn chương trình có nhiều lúc không thể ngắt lời và phải “buông xuôi” để họ tranh cãi, chỉ trích và cáo buộc lẫn nhau.
Trong phần kết, bà Marine Le Pen nói: “Có thể mọi người cho rằng tôi là người 'hết thời' nhưng tôi muốn đưa nước Pháp trở lại như những gì vốn có, đó là văn hóa, di sản, ngôn ngữ và biên giới. Nếu duy trì biên giới mở như hiện nay, người Pháp không thể có tự do, độc lập. Còn ông Macron muốn nước Pháp mở cửa cho người nhập cư tràn vào, tăng sức ép cho ngân sách, giảm lương. Và như vậy nước Pháp sẽ càng suy yếu thêm và không thể có tiếng nói trọng lượng với các cường quốc và chỉ có các thế lực tài chính là được lợi.”
Đáp lại ông Emmanuel Macron cho rằng bà Marine Le Pen chỉ có mục đích duy nhất là tìm mọi cách để hạ thấp uy tín, hình ảnh của đối thủ, chứ không quan tâm đến việc đưa ra những giải pháp khả quan cho nước Pháp. Ông Macron nói gay gắt: “Chương trình hành động của bà chỉ dựa trên những lời mê hoặc và reo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Pháp. Nước Pháp sẽ không bị chia rẽ. Tôi chính là người có thể đem lại câu trả lời phù hợp và những cải cách hiệu quả chưa từng có trong suốt 30 năm qua cho nước Pháp. Tôi muốn mang lại sự đổi mới thực sự, một diện mạo mới cho nước Pháp và tất nhiên không có đường lối cực hữu như của bà và FN”.
Những diễn biến trong cuộc tranh luận tối qua cho thấy bà Marine Le Pen không thể hiện được nhiều. Trong cuộc tranh luận trực tiếp ngày 20-3 giữa 11 ứng cử viên trước khi diễn ra vòng 1, bà ghi điểm khi cho rằng ông Macron nói suốt bảy phút những chẳng có nội dung gì. Còn lần này thì khác, suốt hơn hai tiếng, xoay quanh chiến thuật chỉ trích, gắn mác cho đối thủ là sự tiếp nối của chính quyền sắp mãn nhiệm nên không thể giải quyết được những vấn đề bức xúc hiện nay. Còn với ông Macron, chiến thuật tranh luận “cận chiến” để phản bác chỉ trích và chứng minh dự án của đối thủ là “nguy hiểm” cho nước Pháp đã đem lại kết quả như mong muốn. Các đợt tấn công từ bà Marine Le Pen đã được ông Macron hóa giải một cách kiên quyết, không những thế còn xoáy vào những rắc rối bị điều tra của đối thủ. Câu trả lời của ông Macron là: Mọi việc đã rõ, cử tri Pháp có thể hiểu rõ ai xứng đáng làm tổng thống, nhất là sau cuộc tranh luận tối nay. Chính người dân Pháp sẽ đưa ra quyết định vào ngày bầu cử 7-5.
Kết quả thăm dò ý kiến người xem truyền hình do hãng Elabe thực hiện cho kênh truyền hình tư nhân BFMTV cho thấy ứng cử viên Emmanuel Macron được đánh giá là người có những lập luận thuyết phục hơn bà Marine Le Pen, với tỷ lệ 63-34%. Đối với chương trình hành động cũng vậy, ông Macron ghi thêm điểm với mức đánh giá là 64-33%. Không chỉ có vậy, đa số cử tri ủng hộ hai ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon và François Fillon đều cho rằng ông Macron là người chiến thắng trong cuộc tranh luận này.
Các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, ứng cử viên Macron vẫn được dự báo đắc cử tổng thống với 59% hoặc 60% số phiếu ủng hộ, dù ứng cử viên cực hữu Le Pen đang thu ngắn khoảng cách với đối thủ. Tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu được dự đoán ở mức rất cao, có thể lên tới 28%, chưa kể tới khoảng 18% trong số cử tri chắc chắn đi bầu còn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.
Dù kết quả thế nào, nước Pháp chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi khi cử tri lựa chọn một ứng cử viên chủ trương “một nước Pháp vững mạnh trong EU bền vững và thịnh vượng” hoặc một người chống tiến trình toàn cầu hóa, chống sự lệ thuộc của Pháp vào châu Âu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()