Bầu cử Ðu-ma quốc gia Nga: Ưu thế thuộc về Ðảng UR
Hôm nay (4-12), 76 triệu cử tri Nga bỏ phiếu bầu Đu-ma quốc gia (Hạ viện) nhiệm kỳ năm năm, với dự đoán sẽ lặp lại kịch bản của hai cuộc bầu cử năm 2003 và 2007 khi đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền giành đa số trong 450 ghế tại Hạ viện. Cuộc bầu cử sẽ mở đường cho "cặp đôi quyền lực" tại xứ sở Bạch Dương hoán đổi vị trí Thủ tướng và Tổng thống tại cuộc bầu cử Tổng thống Nga đầu tháng 3-2012.Tham gia tranh cử vào Đu-ma quốc gia có bảy chính đảng chủ chốt, trong đó ba đảng không có đại diện trong Quốc hội. Vì thế sự cạnh tranh giữa các đảng diễn ra quyết liệt. Đây là lần đầu kể từ năm 1993, toàn bộ bảy chính đảng nộp đơn đăng ký tranh cử vào Đu-ma quốc gia đều được Ủy ban bầu cử Trung ương (SIK) chấp nhận. Hơn 650 quan sát viên quốc tế sẽ theo sát quá trình bầu cử tại 94 nghìn điểm bỏ phiếu trên toàn LB Nga. Khoảng 150 nghìn người Nga sống tại các vùng sâu, vùng xa thuộc 34/83 chủ thể...
Tham gia tranh cử vào Đu-ma quốc gia có bảy chính đảng chủ chốt, trong đó ba đảng không có đại diện trong Quốc hội. Vì thế sự cạnh tranh giữa các đảng diễn ra quyết liệt. Đây là lần đầu kể từ năm 1993, toàn bộ bảy chính đảng nộp đơn đăng ký tranh cử vào Đu-ma quốc gia đều được Ủy ban bầu cử Trung ương (SIK) chấp nhận. Hơn 650 quan sát viên quốc tế sẽ theo sát quá trình bầu cử tại 94 nghìn điểm bỏ phiếu trên toàn LB Nga. Khoảng 150 nghìn người Nga sống tại các vùng sâu, vùng xa thuộc 34/83 chủ thể của nước này và những cử tri Nga ở nước ngoài, đã đi bỏ phiếu sớm từ ngày 18-11 đến 3-12. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Nga nổi lên như một điểm sáng về phát triển kinh tế với mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt hơn 4% trong năm nay. Đồng thời, nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD này đã vượt qua những trở ngại lớn nhất, hoàn tất 18 năm đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trước bầu cử, các cuộc tranh luận trên các kênh truyền hình và phát thanh diễn ra quyết liệt, với đề tài chính là hệ thống giáo dục, quan hệ giữa các dân tộc, ngành quốc phòng, chất lượng dịch vụ y tế, chính sách đối ngoại và kinh tế. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, cương lĩnh tranh cử của UR là hiện đại hóa kinh tế, bài trừ tham nhũng, tăng cường hệ thống tư pháp, ủng hộ hòa hợp và hòa giải, phát triển và hoàn thiện hệ thống chính trị trong nước, bảo đảm an ninh trong nước và an ninh quốc tế, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập. Mục tiêu của UR là trong vòng năm năm tới đưa LB Nga lọt vào danh sách năm nước phát triển nhất thế giới và tạo thêm 25 triệu việc làm. Khẩu hiệu chính của đảng Cộng sản Nga (KPRF) là đưa tài nguyên thiên nhiên trở lại với nhân dân và đề xuất những biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) cam kết sẽ tiến hành cuộc cải cách quân sự và trừng phạt các quan chức tham nhũng trong ngành dịch vụ công cộng.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử do Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn liên bang (VSIOM) tiến hành, UR có thể nhận được 54% số ý kiến ủng hộ, KPRF giành 16%, LDPR nhận 12% và đảng Nước Nga Công bằng (SR) có thể giành 9% số ý kiến ủng hộ của cử tri Nga. Tuy nhiên, ba chính đảng gồm Y-a-blô-cô, đảng Sự nghiệp cánh hữu (PD) và đảng Những người yêu nước Nga (PR) đều có ít khả năng giành được 7% số phiếu ủng hộ tối thiểu để hiện diện tại Đu-ma quốc gia khóa mới. Dự báo, giống như hai cuộc bầu cử Hạ viện Nga vào năm 2003 và 2007, khi UR cũng nhận được tỷ lệ ý kiến ủng hộ từ 53 đến 54%, nhưng sau đó đảng này đã giành thêm 14% số phiếu bầu của cử tri để có được đa số lập hiến trong Đu-ma quốc gia. Đối với KPRF, một tín hiệu đáng mừng là uy tín của đảng ngày càng tăng trong xã hội Nga với gần 30% số người Nga được hỏi tuyên bố dành cảm tình lớn cho đảng này. Không giống như những năm trước đây, khi các đảng viên của KPRF chủ yếu là những người về hưu, hiện nay thành phần tham gia KPRF ngày càng đa dạng về vị trí xã hội và lứa tuổi.
Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia với khả năng giành ưu thế cao của đảng Nước Nga thống nhất sẽ mở đường cho thắng lợi của ứng cử viên đảng này tại cuộc bầu cử Tổng thống Nga đầu tháng 3-2012. Theo các nhà phân tích, dù “cặp bài trùng” Thủ tướng V.Pu-tin – Tổng thống Đ.Mét-vê-đép có thể lại đổi vai cho nhau, thì chính sách đối ngoại và đường lối phát triển đất nước của nước Nga sẽ vẫn nhất quán và đây là điều quan trọng giúp duy trì lòng tin của người dân Nga cũng như thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép vừa tuyên bố sẽ có sự thay đổi căn bản trong bộ máy chính quyền mới nếu đảng Nước Nga thống nhất giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia và ông trở thành Thủ tướng, song các chuyên gia nhận định, mục tiêu của “cỗ xe song mã” vẫn được duy trì, đó là giúp củng cố vị trí và tầm ảnh hưởng của nước Nga trên bản đồ địa – chính trị thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()