Bắt, vận động đối tượng truy nã nguy hiểm: Hết mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân
LSO-Từ đầu năm 2013 đến nay, Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt, vận động được 14 đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Trong đó có những chuyên án các cán bộ, chiến sĩ phải mất hàng chục năm để lần theo dấu vết của các đối tượng, nhưng cũng có những chuyên án phá thành công chỉ trong một thời gian ngắn.
Đối tượng Lương Văn Trường bị bắt sau 13 năm lẩn trốn |
Theo Đại tá Triệu Văn Điện, Trưởng Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm cho biết, tùy mức độ mà những đối tượng sau khi gây án bỏ trốn sẽ được xác định là nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tập trung chủ yếu ở các tội danh như: buôn bán trái phép chất ma túy, buôn bán người, cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng, cướp… Những loại tội phạm này sau khi gây án thường có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lẩn trốn lực lượng chức năng. Vì vậy để truy bắt hay vận động các đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, đơn vị đều thành lập các chuyên án đặc biệt; mỗi chuyên án này sẽ có hàng chục trinh sát có kinh nghiệm, tinh thần dũng cảm và có năng lực được cử làm nhiệm vụ.
Câu chuyện kể của trung tá Mã Văn Chung về chuyên án bắt đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm đã giúp chúng tôi hình dung thêm về những khó khăn, vất vả mà các anh gặp phải. Anh Chung cho biết: mỗi chuyên án được lập ra là cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ đều phải xác định sẽ đối mặt với nhiều thử thách. Gần đây nhất là chuyên án bắt đối tượng Lương Quốc Trường, dân tộc Tày, sinh ngày 6/2/1971, quê quán ở xã Y Tịch, huyện Chi Lăng bị truy nã đặc biệt về tội mua bán trái phép chất ma túy. Kế hoạch truy tìm tưởng như bị vỡ khi tổ chuyên án lặn lội hàng nghìn cây số, xa nhà hàng chục ngày rồi ăn dầm ở dề trong rừng để lần theo dấu vết đối tượng Trường. Chỉ cần có một manh mối dù nhỏ, rời rạc là cả tổ chuyên án lại lên đường. Đã “ôm” hồ sơ thì ngày nào chưa bắt được đối tượng thì ngày đó còn như “ngồi trên chảo lửa”. Cái khó của chuyên án này là Trường đã lẩn trốn vào miền Nam lâu năm với nhân thân hoàn toàn mới nên việc tiếp cận, xác minh, lần theo dấu vết như “mò kim đáy bể”. Cũng may là đến lần thứ 3 xác minh đối tượng, ngày 24/8/2013, tổ chuyên án phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước đã truy bắt được đối tượng Trường.
Gần đây nhất, chúng tôi có dịp cùng cán bộ tổ chuyên án đến lấy lời khai của đối tượng Trường ở Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn. Gặp đối tượng Lương Quốc Trường trong khi Trường vẫn chưa hết bàng hoàng: “Hôm đó tôi đi làm bình thường như mọi ngày nhưng bất ngờ bị các anh công an bắt. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu bằng cách nào mà các anh công an Lạng Sơn lại phát hiện ra mình vì tôi đã xa nhà 13 năm với lý lịch trong sạch”.
Còn câu chuyện của thiếu tá Hứa Văn Thuận về chuyên án bắt đối tượng Trần Văn Trung, sinh năm 1976, quê ở xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình, bị truy nã đặc biệt từ năm 1997 về tội cướp tài sản và tàng trữ vũ khí trái phép lại có cái khó riêng. Thiếu tá Thuận tâm sự, thông tin về Trung được cập nhật từng phút, từng giờ để theo sát di, biến động của đối tượng. 3 năm ròng theo dõi, mật phục, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng các cán bộ, chiến sĩ trong tổ chuyên án vẫn quyết tâm đưa đối tượng ra ánh sáng. Trời không phụ lòng người, đến đầu tháng 5/2013, được sự giúp đỡ của Công an tỉnh Đắc Lắc, quần chúng nhân dân nên tổ chuyên án đã truy bắt được đối tượng Trung về quy án.
Không nguy hiểm, gay cấn và hồi hộp như những chuyên án phải truy bắt đối tượng, nhưng nếu so về mức độ phức tạp thì những chuyên án mà các đối tượng ra đầu thú như chuyên án Hoàng Văn Sử, sinh năm 1988 ở xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia bị truy nã về tội buôn bán ma túy lại đòi hỏi các trinh sát phát huy năng lực cá nhân cao hơn. Đó là phải biết linh hoạt, vận dụng sáng tạo biện pháp nghiệp vụ, quan trọng nhất là phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở, thuyết phục, động viên những người có quan hệ với đối tượng. Cách làm này đã phát huy hiệu quả bởi chỉ sau 1 tháng thực hiện chuyên án, 7/2013 đối tượng Hoàng Văn Sử đã ra đầu thú tại cơ quan công an, bảo toàn được tính mạng cho trinh sát và giúp đối tượng được hưởng khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, cách làm này lại cần rất nhiều sự nhiệt tình, hiểu biết của chính các trinh sát trực tiếp làm nhiệm vụ.
Trên đây chỉ là một số những câu chuyện gần đây mà chúng tôi ghi lại được trong quá trình tìm hiểu công việc của các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn. Còn rất nhiều những khó khăn, vất vả trong khi làm nhiệm vụ truy bắt, vận động đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm mà các anh chưa kể hết. Nhưng qua tiếp xúc trực tiếp và qua những câu chuyện này chúng tôi nhận thấy rằng, đối với những cảnh sát truy nã, nhiệm vụ luôn đòi hỏi các anh phải khẩn trương, nhanh gọn, nhưng quan trọng là làm thế nào bảo toàn được lực lượng và đưa đối tượng truy nã về chịu án trước pháp luật.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, đến thời điểm này vẫn còn hơn 100 đối tượng truy nã đang lẩn trốn ngoài vòng pháp luật, trong đó có các đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải nỗ lực hết mình vì cuộc sống bình yên của người dân.
Ý kiến ()