– Trong những ngày đầu xuân, trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhiều lễ hội, thu hút hàng vạn du khách về trẩy hội, du xuân. Để tránh những tiêu cực xảy ra, xây dựng hình ảnh lễ hội văn minh, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã quyết liệt vào cuộc. Tuy nhiên, tại nhiều lễ hội vẫn xảy ra tình trạng “chặt chém” trong việc thu phí trông giữ xe, gây bức xúc cho người dân và du khách.
Đơn cử, vào khoảng 9 giờ ngày 24/2/2024 (tức ngày 15 tháng Giêng) ngày diễn ra Lễ hội chùa Bắc Nga, chúng tôi gửi xe máy tại một điểm trông giữ xe bên đường, một người phụ nữ ra thu vé và thông báo giá vé 10 nghìn đồng/lượt xe máy. Khi chúng tôi thắc mắc về giá vé cao, thì nhận được câu trả lời “Đây là giá chung rẻ nhất rồi, các lễ hội khác còn thu cao hơn”. Đúng như câu trả lời, khi đến trưa cùng ngày chúng tôi về khảo sát tại Lễ hội chùa Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, giá vé trông xe máy đa số đều ở mức 10 nghìn đồng/lượt; giá xe ô tô là 30 – 50 nghìn đồng/lượt, cao hơn nhiều so với giá vé ngày thường.
Chị Lê Thị Hồng, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn vừa trả tiền gửi xe ô tô tại Lễ hội chùa Tam Thanh bức xúc: Bình thường tôi đi lễ chùa, gửi xe ô tô chỉ mất 10 nghìn đồng. Hôm nay đi vui xuân, trẩy hội, gửi xe chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, tôi cũng bị “chặt chém” với giá 50 nghìn đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số lễ hội lớn như: đền Mẫu Đồng Đăng, chùa Bắc Nga, chùa Tam Thanh, chùa Tân Thanh…, những bãi trông giữ xe tự phát được người dân đóng cọc, căng dây mọc lên như nấm. Điều đáng nói là cơ bản các điểm trông giữ xe này đều có giá gửi xe cao hơn nhiều lần so với quy định. Hầu hết các bãi thu phí gửi xe máy là 10.000 đồng, có nơi 20.000 đồng; xe ô tô du lịch từ 30.000 – 50.000 đồng, thậm chí có nơi 100.000 đồng… Cùng với đó, tại mỗi nơi trông giữ xe tự phát chỉ có tờ giấy (tờ vé) nhỏ bằng bao diêm, trên đó ghi các con số và có chữ ký tượng trưng của người trông xe, không có dấu, không có cơ quan, đơn vị phát hành…
Theo quy định tại Quyết định 59/2017/QĐ-UBND ngày 4/11/2017 của UBND tỉnh Lạng Sơn “Về việc quy định giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại các lễ hội, hội chợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” (có hiệu lực từ ngày 15/11/2017) như sau: xe đạp, xe đạp điện có mức thu 3.000 đồng/lượt/xe; xe máy, xe máy điện có mức thu 5.000 đồng/lượt/ xe; xe ô tô dưới 12 ghế ngồi và xe ô tô có trọng tải dưới 4 tấn là 20.000/lượt; xe ô tô từ 31 ghế ngồi trở lên và xe ô tô có trọng tải từ 10 tấn trở lên là 40.000/lượt/xe. |
Ông H.V.T, người dân mở dịch vụ trông xe tại Lễ hội chùa Bắc Nga, huyện Cao Lộc cho biết: Gia đình tôi có một khoảng đất trống gần lễ hội, hằng năm cứ đến ngày hội, tôi lại căng dây trông giữ xe máy, ô tô cho du khách. Về giá cả thì tôi cũng thu theo mặt bằng chung của những người xung quanh, cụ thể: xe máy 10.000 đồng/xe, ô tô 30.000 đồng/xe. Còn quy định của nhà nước là được phép thu bao nhiêu, tôi cũng chưa nắm được.
Bà Nguyễn Anh Yến, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 03 ngày 5/1/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, để các lễ hội xuân Giáp Thìn trên địa bàn vui tươi, lành mạnh, an toàn chấp hành đúng các quy định của pháp luật về giá, ngày 16/12/2024, Sở Tài chính ban hành Văn bản số 356 gửi UBND các huyện, thành phố, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng về việc tăng cường công tác chấp hành quy định của pháp luật về giá, trong đó đặc biệt là giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 59 ngày 4/11/2017 của UBND tỉnh… Nếu đơn vị, tổ chức, cá nhân nào không thực hiện theo quyết định trên sẽ xử lý nghiêm đúng theo quy định của pháp luật.
Mặc dù các cơ quan, đơn vị chức năng đã có những công văn, văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở những điểm trông xe tự phát này nhưng thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đặng Đức Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Khó khăn trong công tác quản lý các điểm trông giữ xe tự phát hiện nay là đa số các lễ hội đều không có bãi, điểm trông giữ xe rộng, các bãi trông xe đa số đều thuộc đất của các hộ dân trên địa bàn nên các hộ tự căng dây và thu vé. Trước mỗi mùa lễ hội, chúng tôi chủ động tuyên truyền, nhắc nhở họ không tự ý thu giá trông giữ xe vượt quá cao so với mức quy định chung để tránh gây bức xúc cho người dân và du khách đến lễ hội, tuy nhiên vẫn không ngăn chặn được hết.
Có thể thấy rằng, mặc dù các ngành chức năng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện theo quy định của nhà nước tuy nhiên tình trạng các điểm trông giữ xe “chặt chém” du khách, người dân trong mùa lễ hội diễn ra tràn lan và gây bức xúc trong dư luận. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, ban tổ chức các lễ hội cần tiếp tục có những biện pháp tuyên truyền, chấn chỉnh để người dân và du khách thập phương không còn phải bức xúc mỗi khi gửi phương tiện để vui xuân, trẩy hội.
Ý kiến ()