Bất đồng và bế tắc trong chiến dịch quân sự ở Li-bi
Các cuộc không kích của liên quân gần một tháng qua chưa đem lại sự thay đổi cán cân sức mạnh tại Li-bi, chiến dịch quân sự chống lực lượng trung thành của Tổng thống M.Ca-đa-phi nhanh chóng chuyển sang cục diện bế tắc. Các đồng minh trong liên quân liên tiếp nhóm họp, bàn biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, bất đồng tiếp tục gia tăng, do các nước đồng minh đổ lỗi cho nhau về tình hình hiện nay ở Li-bi.Trong tuyên bố chung của cuộc họp bộ trưởng ngoại giao 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Béc-lin (Đức), ngày 14-4, NATO yêu cầu nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi từ chức và khẳng định tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào lực lượng của ông Ca-đa-phi 'chừng nào còn cần thiết'. Tuy nhiên, hành động can thiệp quân sự đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga khi Mát-xcơ-va cho rằng NATO 'vượt quá thẩm quyền' ở Li-bi. Nga kêu gọi sớm có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột và không nên lạm dụng 'sức mạnh quân sự quá mức', vì sẽ gây thêm thương...
Trong tuyên bố chung của cuộc họp bộ trưởng ngoại giao 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Béc-lin (Đức), ngày 14-4, NATO yêu cầu nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi từ chức và khẳng định tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào lực lượng của ông Ca-đa-phi 'chừng nào còn cần thiết'. Tuy nhiên, hành động can thiệp quân sự đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga khi Mát-xcơ-va cho rằng NATO 'vượt quá thẩm quyền' ở Li-bi. Nga kêu gọi sớm có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột và không nên lạm dụng 'sức mạnh quân sự quá mức', vì sẽ gây thêm thương vong cho dân thường.
Nội bộ NATO xuất hiện những mâu thuẫn. Tư lệnh tối cao NATO, Đô đốc G.Xta-vri-đi-xơ cho biết, NATO cần thêm các máy bay tiêm kích và trang bị vũ khí chính xác để tiến công mục tiêu, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một cam kết đóng góp cụ thể nào. Lời kêu gọi chia sẻ gánh nặng của Anh và Pháp, hai quốc gia hăng hái nhất trong việc kêu gọi quốc tế can thiệp Li-bi, không được các đồng minh hưởng ứng. Mỹ và nhiều thành viên NATO cũng khước từ đề nghị của các đồng minh yêu cầu giữ vai trò lớn hơn trong chiến dịch quân sự tại Li-bi. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn thẳng thắn từ chối đề nghị của Pháp muốn Mỹ trở lại với vai trò chính trong cuộc chiến này. Mỹ không có ý định xem xét lại vai trò của mình trong cuộc chiến tại Li-bi. Tây Ban Nha khẳng định không có kế hoạch tham gia liên quân ở Li-bi. I-ta-li-a tuyên bố cần lý do thuyết phục hơn để tăng trách nhiệm của mình trong cuộc chiến này…
Cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc tế về tình hình Li-bi tại Đô-ha (Ca-ta), với sự tham gia của khoảng 20 nước và các tổ chức quốc tế và khu vực, từ châu Âu, Trung Đông, LHQ, Liên đoàn A-rập, Liên minh châu Phi (AU)… diễn ra trong không khí tranh cãi căng thẳng. Mặc dù hội nghị ra Tuyên bố chung khẳng định nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi phải từ bỏ quyền lực và quyết định thiết lập một 'cơ chế tài chính tạm thời' nhằm hỗ trợ lực lượng chống đối ở Li-bi, song NATO vẫn bị chia rẽ cả về vấn đề tăng cường lực lượng và việc thành lập quỹ giúp lực lượng đối lập ở Li-bi. Về cơ bản, các nước nhất trí 'hạ bệ' Tổng thống Ca-đa-phi, song họ bất đồng về cách thức thực hiện.
Anh kêu gọi tăng thêm các nước trong liên minh tham gia tiến công các mục tiêu trên mặt đất, Pháp kêu gọi tăng sức ép quân sự đối với lực lượng của ông Ca-đa-phi để buộc ông từ bỏ quyền lực. Trái lại, Bỉ phản đối tăng lực lượng đến Li-bi, cho rằng nghị quyết của LHQ loại trừ việc trang bị vũ khí cho dân thường và không cần thiết gia tăng sức mạnh không quân ở đây. Đức cũng phản đối bất kỳ giải pháp quân sự nào đối với vấn đề Li-bi. Mặc dù bảo lưu đề xuất của I-ta-li-a về lập quỹ lấy từ các tài sản bị phong tỏa của một số quan chức Li-bi để hỗ trợ lực lượng chống chính phủ Li-bi, nhưng Đức tỏ ra hoài nghi tính hợp pháp của đề xuất này. Ca-ta, quốc gia A-rập duy nhất tham chiến tại Li-bi, tuyên bố sẵn sàng trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Li-bi, còn Đan Mạch lại bác bỏ việc cấp vũ khí cho lực lượng này.
Trong khi đó, tình hình nhân đạo ở Li-bi tiếp tục xấu đi, với khoảng một nửa dân số nước này cần viện trợ, một nửa triệu người phải rời quê hương từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun kêu gọi các bên ở Li-bi ngừng tiến công, cho phép hỗ trợ nhân đạo. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) A.Mô-xa cũng cho rằng giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Li-bi phải bắt đầu bằng việc ngừng bắn ngay lập tức. Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại Mi-xra-ta, thành phố lớn thứ ba ở Li-bi và là thành phố lớn cuối cùng nằm trong tay lực lượng chống chính phủ ở miền tây Li-bi. Máy bay chiến đấu của NATO tiếp tục tiến hành nhiều đợt không kích nhằm vào Thủ đô Tơ-ri-pô-li và thành phố Xơ-tê quê hương của ông Ca-đa-phi.
Mặc dù được sự hỗ trợ 'nhiệt tình' của liên quân, nhưng lực lượng đối lập ở Li-bi vẫn chưa có bước đột phá nào trong chiến dịch lật đổ Tổng thống Ca-đa-phi. Lực lượng chống chính phủ Li-bi chỉ trích NATO hoạt động thiếu hiệu quả. Pháp và Anh cũng cho rằng NATO chưa làm tròn sứ mệnh tại Li-bi. Trong khi đó, một loạt nước thuộc AU và Thổ Nhĩ Kỳ, Đức… đang nỗ lực làm giảm tham vọng của Anh và Pháp, bằng cách tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Những mâu thuẫn nội bộ NATO khiến liên quân không dễ dàng đạt được những mục tiêu trong cuộc can thiệp quân sự tại Li-bi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()