Bắt đầu từ nhận thức
LSO-Năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Lạng Sơn vẫn chưa nhận thức đúng và đủ về 2 vấn đề này. Chính vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã xây dựng dự án “Năng suất và chất lượng” và giao cho Sở KH&CN thực hiện dự án này.
Chuyên gia Viện năng lượng Việt Nam bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp |
Trong 2 ngày, từ 12 – 14/11 vừa qua, tại lớp tập huấn “Đào tạo nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng” do Sở KH&CN tổ chức với sự góp mặt của 20 doanh nghiệp điểm, các chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, Viện Tiêu chuẩn Việt Nam đã khẳng định: qua trao đổi, thấy rằng, các doanh nghiệp Lạng Sơn chưa hiểu đúng về năng suất và chất lượng, điều này khiến hiệu quả đạt được trong sản xuất của các doanh nghiệp chưa cao. Hiệu quả sản xuất không cao đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm chưa tốt và kết quả là các doanh nghiệp Lạng Sơn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh và phát triển thị trường chưa lớn.
Tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN – Phó Trưởng Ban Điều hành Dự án Năng suất và chất lượng tỉnh cho biết: qua khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, thực tế, các cán bộ quản lý doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản về năng suất, chất lượng trong quá trình sản xuất; thiếu kinh nghiệm quản lý năng suất, chất lượng trong hệ thống dây chuyền sản xuất ra sản phẩm. Qua thực tế này, Sở KH&CN đã và đang triển khai nhiều hoạt động như đào tạo, mở lớp tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng kết hợp với áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng hiện đại, phát triển nguồn lực, xây dựng thương hiệu… Qua đó sẽ tạo bước chuyển biến về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Ví dụ, Ban Điều hành dự án phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về năng suất, chất lượng giảng dạy thêm những kiến thức để người quản lý doanh nghiệp nhận biết rõ rằng: năng suất không chỉ theo đuổi hiệu suất, tức là một công ty không thể coi là có năng suất nếu sản xuất ra một lượng sản phẩm lớn nhất trong thời gian ngắn nhất nhưng sản phẩm đó lại không được khách hàng chấp nhận. Như vậy, thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, các chuyên gia sẽ bổ sung kiến thức về năng suất cho quản lý các doanh nghiệp, từ đó các quản lý, chủ doanh nghiệp sẽ hiểu rõ rằng: năng suất là thước đo cả hiệu suất và hiệu quả; lợi thế cạnh tranh là năng suất…
Ngoài nâng cao nhận thức, hiểu biết về những kiến thức, ý nghĩa của năng suất, ngành khoa học tỉnh còn tập huấn, hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp về việc áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng. Theo đó, Sở KH&CN xây dựng kế hoạch cụ thể, giáo trình tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Lạng Sơn cải tiến tính năng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào quản lý và sản xuất. Vì thế, hiện tại, ngoài hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2008, các doanh nghiệp đã hiểu biết thêm về hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo tiên chuẩn OHSAS 18001, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000, hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27000, hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001…
Ông Trần Hữu Đắc, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng tỉnh cho biết: Để có được một sản phẩm có giá thành cạnh tranh, các doanh nghiệp phải biết cách tiết kiệm từ vật liệu đến năng lượng. Và để sản phẩm đó đạt chất lượng tiêu chuẩn thì các doanh nghiệp cũng phải biết áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam cũng như quốc tế, qua đó, sản phẩm mới có thể xuất khẩu và được các nước trên thế giới chấp nhận. Để các doanh nghiệp có thể đạt được mục đích như trên, từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN đã tổ chức 3 lớp tập huấn với 3 chuyên đề khác nhau, đó là, đo lường, phân tích và cải tiến năng suất doanh nghiệp; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp; thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, các doanh nghiệp đã được các chuyên gia phổ biến về tính năng và tầm ảnh hưởng của các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các biện pháp, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể như hệ thống quản lý tri thức, quan hệ khách hàng và giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đánh giá hiệu quả công việc và mức độ hài lòng của nhân viên đối với công việc… Trao đổi ngay sau khi tham gia lớp tập huấn, bà Đào Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Bánh kẹo Thành Long cho biết: trước khi tham dự tập huấn, quả thật doanh nghiệp chưa biết rõ cách xây dựng mã số, mã vạch và cách thực hiện tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Sau đợt tập huấn này, doanh nghiệp sẽ áp dụng những kiến thức đã được học vào trong sản xuất…”. Không chỉ lãnh đạo công ty TNHH Thành Long, mà người đứng đầu các doanh nghiệp là Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp Thành, Công ty TNHH Hùng Đăng… khi được hỏi đều có chung nhận định: tham gia chương trình đào tạo về năng suất, chất lượng, các doanh nghiệp đã được tư vấn áp dụng các công cụ quản lý chất lượng vào quy trình sản xuất. Qua sự chỉ dẫn của các chuyên gia, các doanh nghiệp đã biết rõ hơn về cách thức tiết kiệm ở từng khâu sản xuất…
Được biết, hiện tại Sở KH&CN Lạng Sơn đang thực hiện giai đoạn I của dự án, theo đó, từ nay đến năm 2016, ngành khoa học tỉnh sẽ chọn 20 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thương mại, dịch vụ để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về năng suất và chất lượng. Từ 20 doanh nghiệp này, giai đoạn 2 (2016 – 2020), ngành sẽ mở rộng, hỗ trợ thêm nhiều doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Lạng Sơn. Với sự hỗ trợ tích cực của ngành khoa học và công nghệ, hy vọng, qua hỗ trợ, tư vấn, các doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp làm việc thông minh hơn, loại bỏ mọi lãng phí, tạo ra sản phẩm rẻ hơn, đạt chất lượng cao hơn, qua đó nâng cao hiệu quả của chính doanh nghiệp.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()