Bất chấp EU phản đối, Anh kiên quyết sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland
Ngày 14-6, Anh tuyên bố không có lý do gì để Liên minh châu Âu (EU) phải phản ứng tiêu cực trước kế hoạch của London sửa đổi một số quy tắc thương mại hậu Brexit (Anh rời EU) đối với vùng lãnh thổ Bắc Ireland.
Theo Nghị định thư Bắc Ireland-vốn là một phần của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU-vùng lãnh thổ này tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU nhằm tránh phải thiết lập biên giới với Cộng hòa (CH) Ireland-một thành viên EU. Để bảo đảm hàng hóa từ các vùng còn lại đến Bắc Ireland đáp ứng các tiêu chuẩn EU, hai bên nhất trí thực hiện kiểm soát hàng hóa đến từ lục địa Anh trước khi vào vùng này.
Tuy nhiên, kể từ khi được áp dụng vào đầu năm 2021, các hoạt động kiểm soát khiến lưu thông hàng hóa từ phần còn lại của Anh đến Bắc Ireland bị đình trệ nghiêm trọng, làm cho phe ủng hộ Anh tại Bắc Ireland thêm tức giận vì cho rằng Nghị định thư Bắc Ireland làm chia cắt đất nước. Trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp của Bắc Ireland diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) ủng hộ Anh bị thất bại. Chừng nào Nghị định thư Bắc Ireland chưa được sửa đổi, DUP tuyên bố chừng đó sẽ không tham gia chính quyền chia sẻ quyền lực giữa phe ủng hộ CH Ireland và phe ủng hộ Anh theo thỏa thuận “Thứ sáu tốt lành” (Good Friday) ký năm 1998 vốn giúp chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 30 năm tại vùng Bắc Ireland.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố không có lý do gì để EU phải phản ứng tiêu cực trước kế hoạch của London. Ảnh: Reuters |
Từ nhiều tháng qua, Anh đã cảnh báo sẽ đơn phương sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland nếu EU không đồng ý thay đổi. Tới ngày 13-6, Chính phủ Anh chính thức công bố dự luật điều chỉnh việc áp dụng nghị định thư này. Theo dự luật, Anh dự định sẽ dỡ bỏ hầu hết các điểm kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại sang Bắc Ireland, trong khi vẫn ưu tiên mục tiêu không thiết lập biên giới trên đảo Ireland đúng như thỏa thuận “Thứ sáu tốt lành”. Bên cạnh đó, EU được tiếp cận dữ liệu thời gian thực của Anh về dòng chảy hàng hóa sang Bắc Ireland. Chỉ những doanh nghiệp có dự định giao thương với EU thông qua tuyến đường qua đảo Ireland mới phải thực hiện các thủ tục hải quan. Anh cũng cam kết phạt mạnh tay những công ty có ý định lợi dụng quy định mới để làm sai nhưng cũng loại bỏ quyền giám sát Nghị định thư Bắc Ireland của Tòa án Tư pháp châu Âu, một điều mà EU luôn phản đối. Theo Reuters, để dự luật này trở thành luật có thể phải mất nhiều tháng.
Ngày 14-6, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố động thái của London “không khiến EU trở nên tệ hơn” và “chúng tôi tiếp tục bảo vệ thị trường chung EU”. “Vì vậy, tuyệt đối không có lý do gì để EU phản ứng tiêu cực với những gì chúng tôi đang làm. Tôi đã nêu rất rõ là ủng hộ đàm phán để đạt một giải pháp nhưng trong trường hợp không đạt được thì chúng tôi cũng không thể để tình hình buông trôi”, bà Truss khẳng định. Trước đó, Ngoại trưởng Truss cũng tuyên bố Anh “hoàn toàn nghiêm túc” về việc thông qua dự luật và Anh vẫn sẵn sàng đàm phán với EU.
Trong khi Anh khẳng định việc điều chỉnh áp dụng Nghị định thư Bắc Ireland là cách để khắc phục các vấn đề về thương mại phát sinh trong thời gian qua, đưa DUP trở lại tham gia vào chính quyền chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland và London đang hành động theo luật quốc tế thì EU lại lo ngại động thái đơn phương của Anh vi phạm luật pháp quốc tế. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic tuyên bố đàm phán lại Nghị định thư Bắc Ireland là “phi thực tế”. Nhấn mạnh đàm phán lại sẽ chỉ “gây thêm rủi ro về pháp lý” đối với người dân và doanh nghiệp tại Bắc Ireland, ông Sefcovic khẳng định EU sẽ không đàm phán lại Nghị định thư Bắc Ireland. “Mục tiêu của chúng tôi sẽ luôn là bảo đảm việc thực thi Nghị định thư Bắc Ireland. Phản ứng của chúng tôi với hành động đơn phương của Anh sẽ phản ánh mục tiêu đó và phản ứng sẽ tương xứng”, ông Sefcovic nêu rõ.
Ý kiến ()