Bất chấp đại dịch, dòng vốn FDI đổ vào Ấn Độ năm 2020 vẫn tăng 27%
FDI vào Ấn Độ đã tăng 27% từ 51 tỷ USD vào năm 2019 lên 64 tỷ USD năm 2020, chủ yếu nhờ các thương vụ mua lại trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Theo một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc (LHQ), Ấn Độ đã nhận 64 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020, qua đó trở thành nước tiếp nhận dòng vốn đầu tư lớn thứ 5 thế giới.
Báo cáo nhận định làn sóng COVID-19 thứ hai ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế tổng thể của Ấn Độ, nhưng các nền tảng cơ bản mạnh mẽ mang lại sự lạc quan cho trung hạn.
Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố hôm 21/6 cho biết, dòng vốn FDI toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và giảm 35% trong năm 2020, từ 1.500 tỷ USD hồi năm 2019 xuống còn 1.000 tỷ USD.
Ảnh hưởng toàn cầu của COVID-19 làm chậm lại các dự án đầu tư hiện có cùng triển vọng suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) phải đánh giá lại các dự án mới.
Tuy nhiên tại Ấn Độ, FDI vào nước này đã tăng 27% từ 51 tỷ USD vào năm 2019 lên 64 tỷ USD năm 2020, chủ yếu nhờ các thương vụ mua lại trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Điều này đã giúp đưa Ấn Độ trở thành nước nhận được FDI lớn thứ 5 thế giới.
Các dự án lớn trong ngành ICT Ấn Độ bao gồm khoản đầu tư 2,8 tỷ USD của “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Amazon vào nước này.
Tuy nhiên, báo cáo cũng đề cập làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của Ấn Độ.
Các khu vực như Maharashtra, nơi có một trong những cụm sản xuất ô tô lớn nhất nước và Karnataka – nơi có trung tâm công nghệ Bengaluru đang phải đối mặt với một đợt ngừng hoạt động khác kể từ tháng 4/2021, khiến đất nước bị gián đoạn sản xuất và chậm trễ trong đầu tư.
Dù vậy, các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ của Ấn Độ mang lại sự lạc quan cho trung hạn. FDI vào Ấn Độ đang có xu hướng tăng trưởng trong dài hạn và quy mô thị trường của nước này sẽ tiếp tục thu hút các khoản đầu tư.
Ngoài ra, đầu tư vào ngành ICT Ấn Độ dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.
Hoạt động chế tạo phục vụ xuất khẩu, một lĩnh vực đầu tư ưu tiên của đất nước, sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Nhưng sự tạo điều kiện của Chính phủ có thể giúp ích. Kế hoạch khuyến khích liên kết sản xuất của Ấn Độ (được thiết kế để thu hút các khoản đầu tư định hướng vào chế tạo và xuất khẩu trong các ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm ô tô và điện tử) có thể thúc đẩy sự phục hồi đầu tư vào ngành chế tạo của nước này.
Bên cạnh đó, báo cáo cho biết FDI đổ vào khu vực Nam Á tăng 20% lên 71 tỷ USD, chủ yếu nhờ hoạt động sáp nhập và mua lại mạnh mẽ ở Ấn Độ.
Cũng theo báo cáo, các hoạt động mua lại-sáp nhập xuyên biên giới tại khu vực đã tăng 83% và đạt tổng giá trị 27 tỷ USD, với các giao dịch lớn liên quan đến ICT, y tế, cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Dòng vốn FDI từ Nam Á giảm 12% xuống 12 tỷ USD, do đầu tư từ Ấn Độ giảm.
Ấn Độ xếp hạng 18 trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về dòng vốn FDI, với 12 tỷ USD “chảy” khỏi quốc gia này vào năm 2020 so với 13 tỷ USD vào năm 2019.
Đầu tư từ Ấn Độ dự kiến sẽ ổn định vào năm 2021, được hỗ trợ bởi việc nối lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) và đầu tư mạnh mẽ của nước này vào châu Phi.
Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo dù khu vực châu Á kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế tốt, thì đợt COVID-19 thứ hai gần đây ở Ấn Độ cho thấy những bất ổn đáng kể vẫn còn. Điều này có tác động lớn đến triển vọng của khu vực.
Sự bùng phát trở lại rộng rãi hơn của đại dịch COVID-19 ở châu Á có thể làm giảm đáng kể lượng FDI toàn cầu vào năm 2021, do khu vực này đóng góp khá đáng kể vào tổng giá trị FDI toàn thế giới.
Dòng vốn FDI vào nhóm các nước châu Á đang phát triển đã tăng 4% lên 535 tỷ USD vào năm 2020, trở thành khu vực duy nhất đạt mức tăng trưởng kỷ lục và nâng tỷ trọng dòng vốn toàn cầu của châu Á lên 54%./.
Ý kiến ()