Bất cập trong xử lý thuốc lá nhập lậu
Hiện nay, việc xử lý thuốc lá nhập lậu lại đang có nhiều bất cập khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá có chiều hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, nhất là tại các điểm nóng biên giới Tây Nam nước ta. Hàng trăm vụ buôn lậu thuốc lá vẫn đang phải “nằm chờ” xử lý vì luật không đồng bộ, khiến công tác chống buôn lậu thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, việc xác định mức độ tối thiểu số lượng thuốc lá nhập lậu để xử lý còn chưa thống nhất khi theo quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 của Chính phủ, hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng từ 500 bao trở lên được tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch bộ Công thương, Tư pháp, Y tế, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì mức định lượng tối thiếu xử lý hình sự lại từ 1.500 đến 4.500 bao. Mặt khác, theo Luật Đầu tư 2014, thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 của Chính phủ lại quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Khi các quy định của pháp luật có sự chồng chéo, thiếu thống nhất đang gây ra nhiều khó khăn trong việc xét xử tội danh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, làm mất đi công cụ răn đe có tính mạnh mẽ nhất của pháp luật; làm giảm sự quyết liệt trong công tác chống thuốc lá lậu của các lực lượng chức năng vì bắt giữ nhưng không thể xử lý.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên các tuyến biên giới đường sông, đường biển, cảng biển, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hiện có gần 20% lượng thuốc lá nhập lậu trên thị trường không được kiểm soát chất lượng, không bảo đảm các điều kiện quy chuẩn, kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu. Thuốc lá điếu phần lớn đang được nhập lậu qua khu vực biên giới của các tỉnh Tây Nam Bộ, sau đó vận chuyển về các tỉnh, thành phố trong nước để tiêu thụ. Trong đó, khu vực biên giới các tỉnh Long An, An Giang, Tây Ninh luôn là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, còn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lại là địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu nhập lậu lớn nhất cả nước.
Phó Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Nguyễn Trọng Tín cho biết, trên tuyến đường bộ, các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu thường không theo quy luật nhất định. Trên đường bộ, các đối tượng thường vận chuyển nhỏ lẻ thành nhiều chuyến trong ngày, hoặc lợi dụng thời điểm ban đêm, giờ giao ca, nghỉ trưa của các lực lượng chức năng, sử dụng gùi, cõng hoặc cất giấu thuốc lá nhập lậu trong ca-bin xe ô-tô, trong thùng dầu xe tải, rồi chạy với tốc độ cao qua các đường mòn, lối tắt gần biên giới để tuồn vào nội địa. Còn trên tuyến đường biển, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình vùng biển, đêm tối để hoạt động, sử dụng các loại tàu đánh bắt hải sản nhỏ, tàu chở hàng hóa để cất giấu thuốc lá điếu nhập lậu trong các khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác. Trong thị trường nội địa, thuốc lá nhập lậu tuy không còn bày công khai như trước đây nhưng vẫn được các đối tượng bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quán cà-phê, tủ thuốc lá lẻ,…
TRONG tháng 4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3825/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Theo đó, nếu thuốc lá nhập lậu còn chất lượng tốt sẽ thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ trong nước hoặc tái xuất với thời hạn thí điểm là một năm, sau đó sẽ tiến hành đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm. Tuy nhiên, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) lo ngại trước những hệ lụy nghiêm trọng của việc thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá, đã có văn bản kiến nghị Chính phủ nên duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu như trước đây. Theo quan điểm của hai đơn vị này, việc đấu giá tiêu thụ nội địa vô hình trung sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, lách luật. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng sẽ bị thất thu một khoản đáng kể (khoảng 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm) và có thể còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu nhưng bị thẩm lậu quay vòng trở lại. Điều này sẽ góp phần hợp thức hóa toàn bộ thuốc lá nhập lậu thành thuốc lá hợp pháp để tiêu thụ trong nước, dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng, gây lũng đoạn thị trường.
Cũng theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và Vinataba, tính khả thi cho việc đấu thầu thuốc lá ngoại nhập lậu có chất lượng là rất thấp, do loại thuốc lá này không đáp ứng được tất cả các điều kiện về chất lượng, hình thức, nhãn mác,… của sản phẩm thuốc lá. Việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không rất khó khăn và mất thời gian, có thể làm phát sinh nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển,… Chưa kể, do không in cảnh báo sức khỏe, nơi sản xuất, thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng, các loại thuốc lá nhập lậu không đáp ứng điều kiện để được nhập khẩu vào quốc gia khác. Phần lớn thuốc lá nhập lậu như JET, HERO hiện chiếm từ 80 đến 90% số thuốc lá nhập lậu ở nước ta, không phù hợp quy định của các nước trong khu vực và hiện chỉ tiêu thụ ở Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()