Bất cập trong triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Loại hình bảo hiểm (BH) trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ra đời từ rất lâu, và hầu hết đều là loại hình BH bắt buộc. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ không ít những bất cập cần sửa đổi.Hiện nay, ở nước ta đã có khoảng 90% số chủ xe ô-tô và 29% số chủ xe mô-tô tham gia loại hình BH bắt buộc này. Tuy nhiên, với khoảng 12.000 người chết vì tai nạn giao thông hằng năm (mà hầu hết các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe cơ giới đều gây tử vong, thương tích cho nạn nhân) và với mức bồi thường theo quy định hiện hành thì việc giải quyết bồi thường BH đã chiếm một lượng kinh phí không nhỏ. Bên cạnh đó, một lượng lớn chủ xe mô-tô chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật; việc xác định lỗi trong một số vụ tai nạn chưa rõ ràng, cán bộ giải quyết bồi thường có hành vi gây khó khăn trong giải quyết bồi thường cho chủ xe cũng như người bị thiệt hại... Đây là những bất cập cơ bản...
Hiện nay, ở nước ta đã có khoảng 90% số chủ xe ô-tô và 29% số chủ xe mô-tô tham gia loại hình BH bắt buộc này. Tuy nhiên, với khoảng 12.000 người chết vì tai nạn giao thông hằng năm (mà hầu hết các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe cơ giới đều gây tử vong, thương tích cho nạn nhân) và với mức bồi thường theo quy định hiện hành thì việc giải quyết bồi thường BH đã chiếm một lượng kinh phí không nhỏ. Bên cạnh đó, một lượng lớn chủ xe mô-tô chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật; việc xác định lỗi trong một số vụ tai nạn chưa rõ ràng, cán bộ giải quyết bồi thường có hành vi gây khó khăn trong giải quyết bồi thường cho chủ xe cũng như người bị thiệt hại… Đây là những bất cập cơ bản trong quá trình thực hiện chế độ BH trách nhiệm dân sự của xe cơ giới, Tổng Thư ký Hiệp hội BH Việt Nam Phùng Đắc Lộc khẳng định.
Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) BH và DN vận tải cũng cho rằng, mức trách nhiệm cũng như mức phí BH hiện hành không còn phù hợp thực tế. Theo chủ DN vận tải Sơn Vân Lê Văn Phương (Đà Nẵng), hiện nay, do giá cả và chi phí tăng cao mà mức phí bồi thường BH còn thấp nên để được bảo đảm quyền lợi khi xảy ra tai nạn giao thông thì DN của ông cũng như nhiều DN khác đã tự mua bổ sung BH tự nguyện để nâng mức trách nhiệm lên 100 triệu đồng, tức là gấp hai lần so với quy định hiện hành. Ngoài ra, vấn đề về phân định lỗi trong giải quyết bồi thường cũng còn bất cập khi mà theo quy định đối với thiệt hại về người, việc giải quyết bồi thường không phân biệt theo mức độ lỗi, nên trên thực tế, có nhiều trường hợp lỗi dẫn đến tai nạn giao thông hoàn toàn là do nạn nhân gây ra nhưng chủ xe vẫn phải bồi thường mức cao nhất theo bảng tỷ lệ bồi thường, và DN BH cũng phải chi trả theo quy định. “Điều này không những đặt gánh nặng kinh phí lên vai DN bảo hiểm, vi phạm nguyên tắc lấy số đông bù số ít mà còn chưa hợp lý vì vô hình trung sẽ khuyến khích vi phạm quy định pháp luật, không công bằng đối với người chấp hành tốt pháp luật về giao thông”, Giám đốc Công ty cổ phần BH bưu điện (PTI) Đà Nẵng Võ Văn Đức bày tỏ quan điểm.
Để sửa đổi những bất cập nêu trên, trong tháng 3 vừa qua, Cục Quản lý, giám sát BH (Bộ Tài chính) đã phối hợp Hiệp hội BH Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ Tài chính về chế độ BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại Hà Nội, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (là những địa phương đại diện cho bốn vùng miền trong cả nước). Tại các hội nghị này, các DN BH và DN vận tải đều nhất trí cao với đề xuất tăng phí và mức trách nhiệm BH lên 100 triệu đồng/người/vụ trong trường hợp nạn nhân bị chết, và bồi thường về thiệt hại tài sản cao nhất cũng ở mức như vậy, tăng gấp hai lần so với mức 50 triệu đồng/người/vụ theo quy định hiện hành. “Tuy nhiên, mức phí BH lại không thể tăng gấp hai lần được, bởi như thế thì gánh nặng sẽ đổ lên vai DN vận tải, mà để thực hiện nguyên tắc không cào bằng, lấy số đông bù số ít thì chúng tôi cho rằng đối với các đối tượng có rủi ro cao là xe vận tải hành khách đường dài hay xe đầu kéo công-ten-nơ, xe ta-xi, phí BH cũng cần tăng lên gấp hai đến ba lần so với mức phí của xe thông thường, còn lại thì nên tăng thêm khoảng 20% là hợp lý” – Giám đốc Công ty cổ phần BH Petrolimex (PJICO) chi nhánh Cần Thơ Hoàng Xuân Quý cho biết. Đây cũng là đề xuất nhận được sự đồng thuận cao của đại diện các DN vận tải tại các hội nghị trên.
Bên cạnh đó, các DN BH và DN vận tải cũng đạt được sự thống nhất cao trong nội dung về phân định lỗi trong giải quyết bồi thường. Về đề xuất tăng thời hạn tham gia bảo hiểm, các đại diện DN BH và DN vận tải đều cho rằng, cần có hướng dẫn đối với thời hạn tham gia BH trên một năm cũng như đối với thời hạn đóng phí áp dụng cho một số trường hợp đặc thù như chủ xe là các đơn vị hành chính sự nghiệp, các đơn vị kinh doanh có nhiều xe. Ngoài ra, các ý kiến đều đồng thuận với việc đề nghị nâng mức hỗ trợ nhân đạo lên 10 triệu đồng/vụ đối với trường hợp nạn nhân bị chết và mở rộng hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Tiếp thu ý kiến của các DN vận tải, DN BH và các cơ quan liên quan, Phó Cục trưởng Quản lý, giám sát BH Phạm Đình Trọng khẳng định, các cơ quan có thẩm quyền sẽ nhanh chóng nghiên cứu để có thể sửa đổi sớm ngay trong năm 2012. Ngoài ra, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ BH này của các DN BH thì việc phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ BH này rất được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm. Bên cạnh đó, việc phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các chủ xe không tham gia BH cũng cần đẩy mạnh hơn nữa để bảo đảm quyền lợi người tham gia giao thông, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội mà các quy định về BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã đặt ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()