Bất cập trong quy định về chức danh, số lượng cán bộ, công chức ở cơ sở
LSO-Từ ngày 1/1/2010, Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức (CBCC) xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở cấp xã (NĐ 92) có hiệu lực thi hành. Sau gần 7 năm, việc thực hiện nghị định tại Lạng Sơn đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định.
Cán bộ xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn tiếp công dân |
Bất cập về chức danh
NĐ 92 quy định cấp xã có 11 chức danh cán bộ, 7 chức danh công chức. Lạng Sơn có 226 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 5 phường, 14 thị trấn, 207 xã. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã khác nhau. Các phường, thị trấn chủ yếu phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ; tại các xã sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Chính yếu tố này đã nảy sinh những bất hợp lý trong quy định chức danh CBCC cấp xã.
Về người HĐKCT cấp xã và ở các thôn, khối phố cũng nhiều bất cập. Hiện tại, NĐ 92 quy định từ 19 – 22 người HĐKCT cấp xã tùy theo từng loại đơn vị hành chính. Theo quy định này thì người HĐKCT chưa được tinh gọn, gây lãng phí ngân sách chi trả của nhà nước. Có những người cả tháng không có hoạt động phát sinh để thực thi nhiệm vụ như phó các tổ chức đoàn thể xã, thôn đội trưởng quân sự nhưng có những người như công an viên thôn, khối phố thì làm không hết việc… Ông Sầm Đức Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Hiện Lạng Sơn có 4.544 CBCC cấp xã (2.272 CB, 2.272 CC), 2.778 người HĐKCT cấp xã, 20.909 người HĐKCT ở thôn, khối phố. Nếu các chức danh được kiêm nhiệm thì số lượng sẽ được tinh giản đi nhiều, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Cùng đó, một số chức danh cán bộ cấp xã; người HĐKCT cấp xã, cấp thôn nên được kiêm nhiệm. Ví dụ bí thư đảng ủy xã nên kiêm chủ tịch HĐND; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận ở thôn, khối phố…
Không hợp lý về số lượng
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nên việc phân bố dân cư giữa các xã, phường, thị trấn không đồng đều. Hầu hết các phường tại thành phố có tới vài vạn dân, trong khi đó, một số xã vùng sâu, vùng xa như Công Sơn (Cao Lộc), Mẫu Sơn (Lộc Bình), Bắc Ái (Tràng Định)… chỉ có vài trăm nhân khẩu sinh sống. Tuy nhiên, theo NĐ 92, cấp xã loại 1 không quá 25 CBCC, xã loại 2 không quá 23 CBCC, xã loại 3 không quá 21 CBCC đã và đang là trở ngại ở mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ông Sái Vĩnh Chung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) cho biết: Thị trấn Đồng Đăng có trên 13.500 dân, trong khi đó cũng chỉ được bố trí 21 chức danh CBCC như xã Công Sơn chỉ có vài trăm nhân khẩu. Thị trấn là địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp. Do đó, hiện nay, cơ sở có 3 công chức địa chính, 2 công chức tư pháp – hộ tịch mà vẫn làm không hết việc bởi các công chức này không đơn thuần chỉ giải quyết công việc chuyên môn mà còn tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp từ người dân…
Ông Phạm Như Thi, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ cho rằng: Chính phủ nên quy định sát hơn nữa về số lượng CBCC cấp xã; số người HĐKCT cấp xã, thôn theo từng đơn vị một cách phù hợp hơn, tránh tình trạng cào bằng về số lượng như hiện nay. Để làm được như vậy thì mỗi đơn vị hành chính cấp xã cũng cần rà soát, báo cáo cụ thể về tình hình dân cư, địa giới hành chính, tính chất xử lý công việc. Sở Nội vụ đã nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ về những bất hợp lý này để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hy vọng sẽ sớm được sửa đổi, thay thế.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()