Bất cập trong quản lý vận tải
LSO-Sau hơn một năm thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn Lạng Sơn cho thấy công tác quản lý vận tải đường bộ của nhà nước đã giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy vậy, vẫn còn một số bất cập.
Xe khách chờ xuất bến tại Bến xe Phía Bắc thành phố Lạng Sơn |
Hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá, 3 năm trở lại đây, dịch vụ vận chuyển hành khách tăng khoảng 8%/năm; vận tải hàng hóa tăng khoảng 11%/ năm; doanh thu tăng ổn định khoảng 9%/năm.
Hiện Sở Giao thông Vận tải đang quản lý khoảng 70 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hoạt động ở loại hình vận tải khách tuyến cố định, vận tải khách theo hợp đồng, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và vận tải khách bằng xe taxi, tổng số phương tiện được quản lý khoảng 800 đầu xe (xe hoạt động vận tải khách chiếm chủ yếu).
Ngoài ra, tại thị trường vận tải khách ở Lạng Sơn, số lượng phương tiện vận tải ngoài tỉnh tham gia cung cấp dịch vụ vận tải khách (tuyến cố định, hợp đồng, du lịch) là rất lớn lên tới cả trăm phương tiện.
Hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị hợp tác xã, hộ gia đình tham gia kinh doanh vận tải trên địa bàn Lạng Sơn có quy mô nhỏ (các hộ gia đình có số phương tiện nhỏ hơn 3 đầu xe là chủ yếu). Trong khi đó, nhà nước quy định khi tham gia kinh doanh vận tải, các đơn vị phải đáp ứng tiêu chí có người điều hành vận tải chuyên trách mới được Sở Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Đây là điều không phù hợp với thực tế ở Lạng Sơn bởi hầu hết các hộ gia đình tham gia kinh doanh vận tải đồng thời là người lái xe kiêm phụ xe.
Đối với vận tải khách theo hợp đồng và du lịch, theo quy định, khi sử dụng ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị phải gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Giao thông Vận tải về những thông tin cơ bản của chuyến đi để quản lý.
Điều này nhằm quản lý xe hợp đồng vào khuôn khổ nhưng hầu như các đơn vị trên địa bàn không thực hiện hoặc lách luật để chạy “dù”. Qua khảo sát thực tế các xe hợp đồng chạy theo hành trình Lạng Sơn-Hà Nội cho thấy, để đối phó với quy định này, các nhà xe thảo sẵn hợp đồng, khi đón khách tại nhà theo kiểu gọi điện thoại hoặc bắt khách dọc đường, nhà xe hỏi tên và điền tên hành khách vào biểu hợp đồng nhằm hợp thức hóa.
Ngoài ra, Nghị định 86 cũng chưa có hướng dẫn rõ (mẫu phụ lục) hợp đồng dịch vụ giữa thành viên hợp tác xã khi xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã tại điểm a, khoản 2, điều 13, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý đối với hợp tác xã và cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Vũ Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: hiện tại, khó khăn nhất là việc xử lý các xe chạy hợp đồng trá hình, qua thực tế kiểm tra, các xe này đều có hợp đồng nhưng hợp đồng này, lực lượng thanh tra không nắm hồ sơ gốc (tức bản hợp đồng theo quy định phải gửi về sở Giao thông Vận tải để quản lý), do vậy không có căn cứ để xử lý.
Tại báo cáo số 209 ngày 3/2/2016 của Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn gửi Tổng cục Đường bộ về kết quả thực hiện Nghị định 86, đơn vị này đã có 3 kiến nghị sửa đổi Nghị định 86 nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn. Trong đó có kiến nghị đối với kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì thời hạn của giấy phép và phù hiệu chỉ có giá trị trong 1 năm thay vì 7 năm như hiện nay.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()