Bất cập trong quản lý và phát triển trạm phát sóng di động ở Ðà Nẵng
Cột phát sóng dày đặc ở đầu đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng. Thời gian qua, cùng với sự "bùng nổ" nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động, các doanh nghiệp viễn thông đua nhau mở rộng mạng lưới, chiếm lĩnh thị phần, tạo nên "cơn sốt" lắp đặt các trạm phát sóng di động (BTS). Việc làm này đã ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển viễn thông, công trình công cộng, khu văn hóa - di tích, khu du lịch, an toàn hoạt động đường bay, bảo vệ vùng trời và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.TP Đà Nẵng hiện có bảy mạng điện thoại di động đang khai thác, với gần 2,4 triệu thuê bao. Trên địa bàn thành phố có 1.650 trạm phát sóng thông tin di động (BTS) 2G và 3G tại 950 vị trí. Mỗi trạm BTS bao gồm trụ ăng-ten, thiết bị thu phát sóng, truyền dẫn, nhà trạm và thiết bị, vật tư phụ trợ kèm theo, giá trị đầu tư hàng tỷ đồng. Với mật độ khá dày đặc, tập trung ở khu vực đông dân cư, trung tâm thành phố,...
Cột phát sóng dày đặc ở đầu đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng. |
TP Đà Nẵng hiện có bảy mạng điện thoại di động đang khai thác, với gần 2,4 triệu thuê bao. Trên địa bàn thành phố có 1.650 trạm phát sóng thông tin di động (BTS) 2G và 3G tại 950 vị trí. Mỗi trạm BTS bao gồm trụ ăng-ten, thiết bị thu phát sóng, truyền dẫn, nhà trạm và thiết bị, vật tư phụ trợ kèm theo, giá trị đầu tư hàng tỷ đồng. Với mật độ khá dày đặc, tập trung ở khu vực đông dân cư, trung tâm thành phố, việc quản lý và phát triển trạm BTS đang lộ rõ nhiều bất cập, lãng phí. Ông Trần Ngọc Thạch, Trưởng phòng Bưu chính – Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng) cho rằng: Những năm đầu khi các nhà mạng di động mới ra đời, việc xây dựng trạm BTS hoàn toàn bị thả nổi, không có cơ quan nào quản lý, từ việc quy hoạch, cấp phép, kỹ thuật xây dựng đến triển khai dùng chung. Ngoài ra, do nhu cầu thông tin liên lạc tăng cao hằng năm, cho nên số lượng trạm BTS trong nội đô lớn, và nhu cầu xây dựng mới rất lớn. Trên các tuyến phố chính, khu vực trung tâm thành phố, các trạm BTS được dựng dày đặc trên nóc các tòa nhà cao tầng. Ở đầu đường Nguyễn Văn Linh, gần mười cột ăng-ten BTS với đủ kiểu dáng, độ cao khác nhau đứng lô nhô, các tuyến phố chính như Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Phan Chu Trinh hình ảnh cũng không khác mấy.
Theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng, trên các tuyến đường trọng điểm, khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố, các trạm BTS phải cách chỉ giới đường từ 30 m trở lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều trạm đặt ngay trên nóc nhà sát mặt đường, với khoảng cách chỉ từ 3 đến 5 m. Việc xây dựng quá nhiều trạm BTS trên địa bàn thành phố, ngoài việc mất mỹ quan đô thị còn gây lãng phí lớn vì mỗi trạm BTS trị giá hàng tỷ đồng, bao gồm cả chi phí thuê nhà dân, công sở, cao ốc… Ông Lê Văn Ngọc, ở tổ 9, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cho rằng: Việc xây dựng các trụ ăng-ten trên nhiều tuyến phố trông rất luộm thuộm, các trạm rất gần nhau sao không gộp chung lại để giảm chi phí, từ đó có thể giảm thêm cước liên lạc. Ngoài ra, việc xây dựng ngay trong khu dân cư làm người dân không khỏi e ngại, nếu có gió bão rất dễ xảy ra sự cố, mà cũng chưa thấy cơ quan quản lý nào thông báo chính thức là việc xây dựng trạm phát sóng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, đến các thiết bị điện tử trong nhà hay không.
Từ năm 2007, Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai dùng chung trụ ăng-ten trong quá trình phối hợp cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, cho đến nay trạm BTS dùng chung mới đạt tỷ lệ hơn 6%. Ông Trần Vinh, Phó Giám đốc Mobiphone khu vực 3 phân trần: Nhà mạng chúng tôi chiếm đến gần một nửa số trạm dùng chung cơ sở hạ tầng trạm BTS với năm nhà mạng khác trên địa bàn Đà Nẵng. Nhưng việc triển khai tiếp vẫn gặp nhiều khó khăn, trước hết là các mạng đều đã có trạm riêng, hầu hết các vị trí đặt trạm tại nhà dân, Đà Nẵng lại là vùng thường xuyên bị bão đe dọa, cho nên không thể dựng các cột ăng-ten quá cao, để có thể lắp đặt nhiều thiết bị thu phát sóng của các nhà mạng. Từ năm 2009, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp các doanh nghiệp viễn thông triển khai thử nghiệm xây dựng và lắp đặt trạm BTS “thân thiện môi trường”. Như trụ ăng-ten dạng cột đèn chiếu sáng, trụ ăng-ten ngụy trang dạng cột trên sân thượng, dạng bồn nước, vỏ máy điều hòa nhiệt độ… Tuy nhiên, đến nay số trạm BTS thân thiện môi trường vẫn chỉ mang tính thử nghiệm, việc ứng dụng rộng rãi chưa được doanh nghiệp thực hiện, mà nguyên nhân chủ yếu là chi phí quá cao, gấp hai, ba lần so với dạng cột sắt thông thường.
So với các thành phố lớn trong cả nước, Đà Nẵng có số dân ít, mật độ dân cư thấp hơn nhiều, thế nhưng theo báo cáo của các nhà mạng, chỉ tính riêng thuê bao di động đã đạt gần 2,4 triệu, bình quân mỗi người có đến ba số thuê bao, tỷ lệ này cao hơn nhiều lần mức bình quân của cả nước, cao hơn cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Số trạm BTS dày đặc hơn, làm xấu cảnh quan và gây khó cho công tác quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị trong tương lai. Chính vì vậy, Đà Nẵng đang thể hiện sự kiên quyết trong việc xử lý di dời các trạm BTS ở những tuyến phố chính, ven bờ biển, dọc các đường phố du lịch. Đồng thời, Đà Nẵng đang xây dựng và triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ, định hướng phát triển cho thị trường viễn thông di động, không để tình trạng phát triển tràn lan các trạm BTS như hiện nay. Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp ở Đà Nẵng cần đồng lòng thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tăng nhanh số trạm dùng chung và trạm BTS “thân thiện môi trường”, nhất là với các nhà mạng chiếm thị phần lớn. Và không chỉ quản lý các trạm BTS di động, mà tất cả trụ ăng-ten thu phát sóng của doanh nghiệp ta-xi cũng phải tuân thủ quy định về quy hoạch, mỹ thuật và kỹ thuật.
Theo Nhandan
Ý kiến ()