Bất cập trong quản lý, bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất
LSO-5 năm trở lại đây, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Cao Lộc đã không ngừng được củng cố, năng lực sản xuất được bổ sung đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Cao Lộc cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
Hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Giang Sơn, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc |
Hiện nay, huyện Cao Lộc có 7 cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản và 15 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) phải có phương án phục hồi môi trường, nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp; 197 doanh nghiệp SXKD hằng ngày có phát sinh rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp ra môi trường cần xử lý.
Hằng năm, huyện Cao Lộc đều ban hành kế hoạch BVMT nhằm thống nhất triển khai thực hiện từ huyện tới cơ sở gắn với thanh, kiểm tra các cơ sở SXKD. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những khó khăn, bất cập, nhất là trong kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT của doanh nghiệp.
Năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra 21 lượt doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, 8 đơn vị chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý về BVMT; 9 đơn vị không đạt tiêu chuẩn về hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, khí thải và tiếng ồn tại cơ sở sản xuất. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra, một số doanh nghiệp thực hiện các quy định về đảm bảo môi trường chỉ mang hình thức đối phó. Tất cả doanh nghiệp vi phạm, đoàn kiểm tra đã lập biên bản nhắc nhở và gia hạn khắc phục.
Ông Nguyễn Thế Tập, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp đều lập hồ sơ pháp lý về BVMT nhưng không thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết. Ngoài ra, nhiều cơ sở khi không có đoàn kiểm tra thì hoạt động SXKD bình thường, nhưng khi biết có đoàn kiểm tra lại ngừng hoạt động, khiến cho việc xác định mức độ ảnh hưởng của cơ sở sản xuất ra môi trường không thực hiện được. Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ ô nhiễm không khí, khói bụi, lưu lượng xả thải, chất lượng nước thải tại các cơ sở sản xuất cũng gặp không ít khó khăn do thiếu dụng cụ, trang thiết bị để phân tích làm cơ sở kết luận, xử lý.
Cùng với đó, hệ thống cơ chế, chính sách về BVMT tuy đã có nhưng còn nhiều hạn chế như: các quy định hướng dẫn về kiểm soát ô nhiễm không khí, độ rung, tiếng ồn trong quá trình sản xuất còn chung chung, khó thực hiện…
Ông Nguyễn Thế Tập cho biết thêm: Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước về BVMT đối với các cơ sở SXKD, một trong những giải pháp phòng đã và đang tham mưu cho UBND huyện là: tăng cường kiểm tra gắn với tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục hồ sơ, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm BVMT của các cơ sở SXKD; chỉ đạo các xã, thị trấn có cơ sở SXKD đẩy mạnh giám sát về BVMT, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm hoặc báo cáo cấp trên xử lý theo thẩm quyền. Về lâu dài, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trên.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()