Bất cập trong giải quyết tranh chấp tín dụng
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại phản ánh việc gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia xét xử tại các vụ tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại tòa án. Ðơn cử như án tín dụng bị kéo dài thời gian hay những vướng mắc chung quanh tài sản bảo đảm,…
Theo nghiên cứu và rà soát từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ngoài nguyên nhân do những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật, sự sai sót của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay, nhiều vướng mắc cũng phát sinh do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại tòa án các cấp còn rất khác nhau và chưa có sự thống nhất…
Vướng mắc xử lý tài sản bảo đảm
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng thuộc VNBA, qua tập hợp các vướng mắc liên quan giải quyết các tranh chấp dân sự từ các ngân hàng cho thấy, có ba nhóm vướng mắc đang tồn tại, bao gồm: nhóm vướng mắc cần thống nhất nhận thức và áp dụng quy định pháp luật trong thực tiễn xét xử; nhóm vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính tố tụng; nhóm vướng mắc xác định trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự.
Trên thực tế, nhiều giao dịch bảo đảm của các tổ chức tín dụng, trong đó tập trung vào tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất bị Tòa án tuyên vô hiệu do giao dịch liên quan đến tài sản trước đó bị tuyên vô hiệu (giao dịch về mua bán, thừa kế, tặng cho,… do bên bảo đảm thực hiện).
Nguyên nhân theo ông Nguyễn Thành Long, khi nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất, các tổ chức tín dụng thường chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp, để xác định chủ sở hữu tài sản và thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. “Nhưng các tổ chức tín dụng không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa Bên bảo đảm và Chủ sở hữu cũ.
Không có quy định nào của pháp luật quy định tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận, cũng như quy định tổ chức tín dụng có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo Giấy chứng nhận đó”, ông Long cho biết thêm.
Do đó, ông Nguyễn Thành Long đề nghị Tòa án áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các tình huống cụ thể như giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền/đại diện; mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó, trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn. Ðồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét về việc nâng các nội dung hướng dẫn trong Công văn số 64 để ban hành thành Nghị quyết; có đính chính/hủy bỏ tình huống về xác định “người thứ ba ngay tình” tại Văn bản số 02.
Ngoài ra, một vướng mắc nữa cũng được các tổ chức tín dụng chia sẻ, đó là việc tòa án chậm trễ thụ lý vụ án. Ðại diện một ngân hàng thương mại cho biết, tuy trong hồ sơ khởi kiện của ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ theo quy định của luật và hướng dẫn của Tòa án, nhưng tòa vẫn yêu cầu cung cấp giấy tờ mà quy định pháp luật không yêu cầu. Ðơn cử, ngân hàng này nộp đơn khởi kiện một khách hàng từ năm 2018 tại Tòa án quận Thanh Xuân, nhưng đến nay chưa được thụ lý do tòa yêu cầu ngân hàng phải xin xác nhận địa chỉ cư trú mới nhất từ cơ quan có thẩm quyền đối với khách hàng dù khách hàng này vẫn ở địa chỉ hiện tại nhiều năm qua. Chưa kể, khi cán bộ ngân hàng gặp đại diện công an phường thì được trả lời nội dung xác nhận này không thuộc trách nhiệm, quyền hạn của họ và quy định pháp luật không yêu cầu phải nộp xác nhận nêu trên. Do đó, đại diện ngân hàng đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hướng dẫn các tòa án trên địa bàn về hồ sơ và các điều kiện tránh tình trạng thụ lý vụ án quá chậm trễ như hiện nay…
Đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp
Dẫn số liệu thống kê, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho biết, trong số 5.419 vụ án mà Tòa án đang giải quyết trong sáu tháng đầu năm 2022, có tới 1.223 vụ án tranh chấp tín dụng, chiếm 23%. Trong số 2.400 vụ kinh doanh thương mại mà Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý thì có 778 vụ việc tranh chấp về đầu tư tài chính, ngân hàng, chiếm 32,5%.
Theo ông Nguyễn Hữu Chính, giải quyết án tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, qua việc giải quyết án tín dụng cũng thấy nổi lên một số vấn đề như: có sự khác biệt về quan điểm giữa Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và ngân hàng; thống kê lượng án tín dụng không thể xử ngày càng tăng; việc giải quyết các vụ án của tòa án đối với các vụ án tín dụng có phần chậm, chưa kịp thời với các vụ việc khiếu kiện, có những vụ tồn hàng năm;…
Do vậy, để giải quyết triệt để án tín dụng, ông Nguyễn Hữu Chính đề nghị các ngân hàng tổng hợp lại các vụ án cụ thể, những vụ việc giải quyết quá chậm, phía Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đôn đốc và giải thích rõ nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này để tránh hiểu sai vấn đề. Ðồng thời, lưu ý các ngân hàng nên thẩm định tài sản thế chấp chặt chẽ; kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp để tránh những phát sinh, vướng mắc dẫn đến việc giải quyết án tín dụng còn chậm.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cũng cho biết, thời gian qua cơ quan này đã nhận được nhiều đơn phản ánh từ các tổ chức tín dụng hội viên đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng. Có một số vụ án sau khi nhận được văn bản của Hiệp hội, tòa án đã xem xét, thậm chí hoãn xét xử để điều tra bổ sung.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, Hiệp hội cũng nhận thấy nhiều phát sinh vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại tòa án chưa có sự thống nhất trong nhiều nội dung quan trọng như: xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, xác định địa chỉ của người bị kiện; việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm,… Do đó, VNBA cũng đề nghị các hội viên rà soát lại hồ sơ theo đúng quy trình pháp luật. Trường hợp nào thực sự khó khăn, vướng mắc, nguy cơ xảy ra oan sai, Hiệp hội sẽ tổng hợp gửi lên tòa án đồng thời làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm thực hiện đúng quy định cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp các hội viên ■
Ý kiến ()