LSO-Trong những năm qua, bằng các chương trình dự án, cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ. Chính yếu tố này đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng GD; song vẫn còn đó những bất cập cần được khắc phục.
|
Nhân viên thiết bị trường học trường THCS Tam Thanh bảo quản thiết bị, hóa chất trong phòng thí nghiệm |
Theo thống kê, đến cuối năm 2010, toàn ngành GD có 650 đơn vị trường, tăng 241 trường và cơ sở GD so với năm 2001. Nhìn chung cấp THPT và các trung tâm GDTX được đầu tư khá đồng bộ từ phòng học đến trang thiết bị dạy và học; ngược lại đối với các cấp học từ mầm non (MN) đến THCS sự đầu tư phần lớn thiếu đồng bộ, mang tính chắp vá đã gây khó khăn cho các nhà trường khi tiếp nhận, bảo quản và sử dụng trang thiết bị dạy và học. Với chiến lược phát triển giáo dục mầm non (GDMN), các trường MN nông thôn được tách ra từ các trường tiểu học và thành lập mới. Bước vào năm học 2010-2011, toàn tỉnh đã có 139 trường MN. Chương trình kiên cố hóa đã dành một phần đáng kể để xây dựng mới phòng học cho các trường MN nông thôn, nhưng do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là do thiếu vốn, nên nhiều phòng học xây dựng dở dang, thiếu đồng bộ; nhiều nơi chỉ có phòng học mà thiếu các phòng chức năng, nhất là nhà bếp, phòng ăn, nơi nghỉ, phòng vệ sinh và nước sạch; vì vậy tỷ lệ học sinh được ăn nghỉ tại trường tăng không đáng kể. Số trẻ bán trú tại trường của năm học 2009-2010 chỉ tăng 1,7% và trẻ mẫu giáo tăng 3,8% so với năm học trước. Đối với cấp tiểu học, trong tổng số 270 trường với 573 điểm trường, trừ các trường được đầu tư tập trung để xây dựng trường đạt chuẩn QG, những trường còn lại, nhất là khu vực vùng cao, vùng ĐBKK số phòng học dưới cấp 4 cũng như các phòng chức năng còn thiếu rất nhiều. Thống kê toàn cấp học, số phòng cấp 4 và dưới cấp 4 vẫn còn chiếm tỷ lệ 78,3%. Đặc biệt trong 270 trường tiểu học chỉ có 205 trường có thư viện, 68 trường có phòng GD nghệ thuật và 156 trường có phòng thiết bị. Đặc điểm của cấp tiểu học là có nhiều điểm trường, nên những khó khăn và bất cập “dồn” hết vào những điểm trường này. Đi đến nhiều điểm trường tại các thôn bản và cụm thôn bản, chúng tôi ghi nhận những cố gắng của đội ngũ giáo viên trong việc thu xếp nơi ăn ở, bố trí phòng học, tủ đựng thiết bị… song do diện tích phòng có hạn, nên thiết bị không thể tập kết để phát huy tác dụng, hoặc nếu có tập kết được thì do không có tủ đựng, phòng bảo quản, nên thiết bị dễ hư hỏng do thời tiết hoặc mất mát trong các kỳ nghỉ tết, nghỉ hè. Bằng các chương trình như chương trình phát triển THCS, chương trình kiên cố hóa, cấp THCS đã và đang được tập trung đầu tư mạnh theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ hóa. Trong 1816 phòng học của 226 trường THCS và phổ thông cơ sở (PTCS), tỷ lệ phòng học dưới cấp 4 đã được thu hẹp và hiện chỉ còn chiếm 25,5%, 117 trường đã có phòng thí nghiệm và thư viện, 61 trường có phòng học vi tính và 152 trường có phòng học bộ môn. Số liệu là như vậy, song nếu phân tích kỹ, có một tỷ lệ lớn phòng chức năng được thành lập theo tính chất “linh động”, nghĩa là phải dùng phòng học để làm phòng thư viện hoặc phòng thí nghiệm, phòng bộ môn. Vì vậy, tính chất hiện đại, đồng bộ vẫn còn mang tính chắp vá.
Trong những năm đổi mới giáo dục phổ thông, thiết bị dạy học và công nghệ thông tin (CNTT) góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Song do thiếu các phòng chức năng, phòng bảo quản, nên thiết bị trường học chưa phát huy hết tính năng tác dụng trong việc hỗ trợ dạy và học. Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đòi hỏi trước hết sự đồng bộ trong công tác xây dựng phòng học, các phòng chức năng, sân chơi bãi tập, nhà vệ sinh, y tế trường học; sự cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy học, CNTT… tạo điều kiện cho các nhà trường sử dụng tối đa các dịch vụ xã hội trong công tác giáo dục toàn diện. Vẫn biết là như vậy, song “ cái khó bó cái khôn”, sự nỗ lực không ngơi nghỉ của ngành vẫn chưa thể thỏa mãn cho các nhà trường. Và đối với một tỉnh còn nghèo như Lạng Sơn, giải pháp tốt nhất vẫn là… đề nghị.
Ý kiến ()