Bất bình đẳng và loại trừ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trên thế giới
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò cốt yếu của phụ nữ trong xây dựng hòa bình. (Ảnh: UN) |
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, thực tế này đặc biệt đúng ở những khu vực thiếu các dịch vụ cơ bản như: y tế, giáo dục, an ninh và công lý, nơi vốn đã chứng kiến “nhiều bất công, bất bình đẳng và áp bức có hệ thống, đã nhốt cả thế hệ vào chu kỳ bất lợi và nghèo đói”. Đây là lý do tại sao ngăn ngừa xung đột là trọng tâm trong dự thảo Chương trình nghị sự mới vì hòa bình của ông. Tổng thư ký António Guterres nhấn mạnh: “Nếu không có sự bao hàm, câu đố hòa bình vẫn chưa hoàn thiện và nhiều khoảng trống vẫn cần được lấp đầy”.
Trước tiên, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, chúng ta phải đầu tư vào sự phát triển cho tất cả mọi người, một cách bình đẳng. Ông António Guterres lưu ý: “Năm ngoái, chi tiêu quân sự tính theo tỷ lệ phần trăm GDP đã có mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2009. Hiện nay, nó lên mức 2.000 tỷ USD một năm”. “Hãy tưởng tượng những tiến bộ mà chúng ta có thể đạt được – hòa bình mà chúng ta có thể xây dựng, những xung đột mà chúng ta có thể ngăn chặn – nếu chúng ta dành dù chỉ một phần nhỏ của số tiền đó cho sự phát triển, bình đẳng và hòa nhập của con người” – ông nói thêm.
Thêm vào đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng cần tăng cường chương trình nghị sự phòng ngừa của tổ chức này trên nhiều mặt để loại bỏ các hình thức loại trừ và bất bình đẳng khác nhau. Ông nói, điều này đồng nghĩa với việc giám sát chặt chẽ hơn các bất bình đẳng đang gia tăng và nhận thức về những bất bình đẳng này – đặc biệt là đối với các vấn đề về giới và thanh niên – để nhanh chóng phản ứng trước những ý kiến bất bình.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cho rằng vai trò cốt yếu của phụ nữ trong xây dựng hòa bình phải được công nhận và ưu tiên. Ông António Guterres nhấn mạnh mối liên hệ trực tiếp giữa bạo lực và sự loại trừ nhắm vào phụ nữ, với xung đột và áp bức dân thường.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng cần phải xây dựng lòng tin, thông qua các thể chế quốc gia bao gồm đầy đủ các đại diện cho toàn dân, và hành động của họ gắn liền với quyền con người và pháp quyền. Theo ông, “điều này đòi hỏi công lý áp dụng cho tất cả mọi người như nhau, không thiên vị người giàu hay người quyền lực”. “Nó đòi hỏi phải xây dựng các thể chế có khả năng đối phó với tham nhũng và lạm quyền, dựa trên các nguyên tắc liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này đòi hỏi các chính sách và luật bảo vệ cụ thể các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có việc chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử” – ông nói thêm.
“Trong bất kỳ xã hội nào, sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và sắc tộc nên được coi là một sức mạnh, không phải là một mối đe dọa. Điều này là cần thiết ở tất cả các quốc gia, và ở các quốc gia đang có xung đột lại càng cần. Không thể có hòa bình thực sự nếu không có sự hòa nhập và bình đẳng đầy đủ”– Tổng thư ký Liên hợp quốc kết luận./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()