Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trên nhiều lĩnh vực
Công tác bình đẳng giới hiện nay đã được triển khai tới các cấp, các ngành và về tới cơ sở. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực khác nhau.
Chiều 24-4, dưới sự điều khiển của Chủ nhiệm Trương Thị Mai, các thành viên Ủy banvề các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra báo cáo Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013.
Chuyển biến tích cực
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày báo cáo của Chính phủ, nêu rõ: Sau gần tám năm triển khai Luật Bình đẳng giới, đến nay, việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động hơn so với trước.
Trong năm 2013, Hiến pháp và nhiều đạo luật khác được ban hành đã lồng ghép tốt vấn đề bình đẳng giới. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng, đã có những tiến bộ nhất định, nhiều chỉ tiêu thuộc các mục tiêu quốc gia có thể đạt kế hoạch đề ra đến năm 2015.
Mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”. Năm 2013 có sự thay đổi ở một số trường hợp cụ thể: Bộ Chính trị được bầu bổ sung thêm hai đồng chí, trong đó có một nữ. Như vậy, lần đầu tiên có hai đồng chí nữ được bầu vào Bộ Chính trị – chiếm 12,5%. |
“Mục tiêu về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị có sự cải thiện nhẹ với sự tăng số lượng phụ nữ giữ các vị trí cấp cao, song kết quả chưa đều, chưa ổn định” – Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu.
Về tồn tại, hạn chế, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo của Chính phủ, nêu: “Định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng trong mỗi người dân, cộng đồng và xã hội sẽ tiếp tục là rào cản lớn cho việc thực hiện bình đẳng giới”.
Nhận thức của một bộ phận cấp ủy Đảng, chính quyền về hoạt động bình đẳng giới còn chưa đúng đắn, dẫn tới chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, hoặc chỉ đạo, thực hiện “mang tính hình thức”.
Công tác bình đẳng giới hiện nay đã được triển khai tới các cấp, các ngành và về tới cơ sở. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực khác nhau.
Theo báo cáo đánh giá năm năm thực hiện Luật Bình đẳng giới cho thấy, “bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trên các lĩnh vực và phần lớn thiệt thòi vẫn nghiêng về phía phụ nữ”.
Những vấn đề giới phức tạp/khó hoặc mới phát sinh cần thời gian nghiên cứu sâu như: Tư tưởng trọng con trai hơn con gái dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy về mặt xã hội có thể gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới. Các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; những tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và nam giới.
Trong năm 2012, 2013 có ba nữ Thứ trưởng và tương đương được bổ nhiệm, có thêm một nữ Bí thư Tỉnh ủy (tỉnh Ninh Bình). Trong ngành Công an, lần đầu tiên có hai đồng chí nữ được phong quân hàm Thiếu tướng. Bộ Quốc phòng cũng vừa được bổ nhiệm thêm một nữ Thiếu tướng. |
Tiếp theo, đó là hôn nhân có yếu tố nước ngoài và dự báo về những vấn đề bất bình đẳng giới sẽ xảy ra trong bối cảnh Việt Nam là một nước thu nhập trung bình…
Theo lãnh đạo ngành, “mục tiêu về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị có nguy cơ không đạt kế hoạch Chiến lược đề ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa giải quyết thấu đáo được vấn đề tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ”.
Về mục tiêu “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, Chiến lược quy định tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 90% vào năm 2015.
Theo báo cáo thống kê, năm 2013, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ ở cả khu vực nông thôn và thành thị trong độ tuổi từ 15 đến 40 đã tăng nhẹ so với năm trước: Ở nông thôn 94,8% năm 2013 – so với 94,5% năm 2012; ở thành thị 98,7% năm 2013 – so với 98,6% năm 2012.
Số liệu báo cáo thống kê của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy: Tính đến tháng 10-2013, số phụ nữ được xóa mù chữ ở độ tuổi 15-25 đạt gần 44.900 người, trong đó gần 29.700 phụ nữ là người dân tộc thiểu số.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu kết luận phiên họp toàn thể ngày 24-4.
Thách thức và tồn tại
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội đã đưa ra nhiều nhận xét nổi bật về tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Với báo cáo của Chính phủ trong bình đẳng giới ở lĩnh vực chính trị, Ủy ban cho rằng: Kết quả thực hiện vẫn ở mức thấp so với mục tiêu và dự báo đến năm 2015 vẫn khó có thể đạt được mục tiêu 80%.
Báo cáo cho thấy: Hiện nay chỉ có 15/30 (50%) bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ; 24/63 (38%) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nữ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND.
Báo cáo của Chính phủ chưa tổng kết được số liệu, mặc dù hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức có số lượng nữ cán bộ, công chức, viên chức vượt tỷ lệ 30%.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong lĩnh vực kinh tế, lao động, 100% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn từ Chương trình xóa đói giảm nghèo và các nguồn vốn khác, và 100% phụ nữ chủ hộ nghèo đã được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, qua hoạt động giám sát, số liệu này ở các địa phương còn thấp và việc đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu này cần được xem xét, đánh giá thêm.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc tại báo cáo phát triển con người năm 2013, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam đứng thứ 48/150 quốc gia được xếp hạng. Báo cáo thường niên Khoảng cách giới toàn cầu (GGG) 2013 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy, vẫn chưa có một quốc gia nào đạt được bình đẳng giới.
Việt Nam được xếp hạng thứ 73 trong tổng số các quốc gia được xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giới, đứng sau một số quốc gia trong khu vực ASEAN là Philippines (thứ năm), Singapore (thứ 58), Lào (60) và Thái-lan (65).
Một trong những giải pháp thực hiện trong năm 2014 là nghiên cứu xây dựng và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới: – Duy trì và phát triển các hệ thống dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam giới bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. – Tiếp tục thí điểm xây dựng các mô hình dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam giới phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. – Tăng cường xã hội hóa và công tác phối hợp liên ngành. |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()