Bất an vì trót vay tiền online
Tin vào những quảng cáo “ngọt” như “cho vay trả góp”, “không cần thủ tục rườm rà”, “không tài sản thế chấp” “nhận tiền sau 5 phút”… là có thể vay từ vài triệu đến cả chục triệu đồng từ các trang web cho vay tiền nhanh trên mạng, nhiều sinh viên đã mắc bẫy và phải gánh lãi nặng, chuốc bao rắc rối cho bản thân và gia đình.
Thời gian gần đây, vấn nạn “tín dụng đen” hoành hành trở lại với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn. Đặc biệt, hoạt động của nhóm tội phạm này đã biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao.
Đáng chú ý, những lời mật ngọt kiểu “cho vay trả góp”, “cho vay không cần thế chấp”, “không lãi suất, giải ngân nhanh 5 phút”… được dán khắp các ngõ, ngách trên từng con đường, thậm chí những loại quảng cáo ấy “bùng nổ” trên internet và các nền tảng mạng xã hội Facebook, trên zalo… Nguy hiểm hơn khi “tín dụng đen” đã len lỏi vào đời sống của những học sinh, sinh viên.
Nhớ lại việc cách đây hơn 3 tháng, N.T.H (sinh viên năm thứ 2 tại một trường đại học trên địa bàn quận Đống Đa) chia sẻ: “Vì cần tiền mua chiếc máy tính cũ mà không muốn bố mẹ ở quê phải gửi thêm tiền cho mình. Em đã lên mạng hỏi cách vay tiền nhanh”. Vừa gõ từ khóa lên mạng, N.T.H đã nhận về hàng chục triệu kết quả trả về quảng cáo có tiền nhanh trong vài phút, chỉ cần chứng minh nhân dân, không cần thế chấp với cam kết bảo mật, an toàn và nhanh chóng.
![]() |
Một ứng dụng cho vay tiền qua online. |
“Khi đó em đã được yêu cầu là tải app tên Vayvay vào điện thoại và điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền và gửi ảnh chụp chân dung cùng chứng minh nhân dân. Trước khi phê duyệt khoản vay, app cũng yêu cầu cho phép truy cập danh bạ và ảnh cá nhân trong thiết bị điện thoại. Tiền trả về trong đúng 15 phút. Lúc đó em rất vui vì có đủ tiền mua máy tính”, N.T.H nói.
Nhưng vừa qua 7 ngày khi chưa kịp trả tiền thì N.T.H liên tục bị nhắn tin nhắc nợ kèm phí phạt 200.000-300.000 đồng/ngày. Từ lời quảng cáo là chỉ phải trả 2,1 triệu đồng trong một tuần, N.T.H bị xoay vào vòng luẩn quẩn nợ nần của tín dụng đen bởi “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến em không xoay kịp.
Hay như trường hợp của học sinh K. (Thường Tín, Hà Nội), vì trót vướng vào chơi game mà số tiền bố mẹ gửi đóng học đã bị K. tiêu hết. Đến khi không có tiền đóng học, K. mới liều mình lấy chứng minh thư nhân dân và cung cấp số điện thoại gửi cho một app vay tiền trên mạng. Khi bố mẹ K. biết thì số nợ đã lên gần 150 triệu đồng. Các đối tượng thường xuyên nhắn tin, gọi điện đe dọa gia đình, khiến gia đình K. luôn trong tình trạng lo lắng, bất an…
Tỉnh táo trước những lời quảng cáo
Theo PGS,TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, “tín dụng đen” xuất hiện thêm hình thức vay mới là vay qua online, đối tượng khách hàng của dịch vụ vay nhanh này phần lớn là những người có nhu cầu “nóng” về dòng tiền. Tâm lý đi vay là chỉ vay “nóng” một vài ngày sẽ trả nhưng thực tế lại không có khả năng trả đúng hạn hoặc người vay thường nghĩ vay online không ký giấy tờ, tài sản gì nên nếu không trả chưa chắc người cho vay đã đòi được…
![]() |
Những lời mời chào của “tín dụng đen” xuất hiện ở mọi nơi. |
Chính những tâm lý này đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Đằng sau những tiện lợi ấy là “cái bẫy” rất nguy hiểm bởi đa phần người cho vay online sẽ báo lãi suất rất thấp nhưng khi trả thì sẽ phát sinh ra tiền phạt chậm trả với lãi suất có khi lên đến 600-700%/năm.
PGS,TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ, cần có luật, cơ chế để phân loại hình thức vay nào có thể cho hoạt động, hình thức nào cần sự quản lý chặt. Trong đó các hình thức cho vay có lãi suất đều phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, bên cạnh việc trông chờ vào giải pháp của cơ quan chức năng siết chặt hoạt động này, người dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên cần tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không vay tiền online qua các mạng xã hội. Khi cần vay tiền, sinh viên cần liên hệ trực tiếp với nhà trường, đến các ngân hàng uy tín để được tư vấn, hỗ trợ.
Ngoài ra, cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật. Đến nay, nhiều quy định pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được ban hành, đó là Luật Đầu tư sửa đổi năm 2021 đã cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Nghị quyết 01/2021 của Hội đồng Thẩm phán, hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự; Nghị định 144/2021 của Chính phủ đều có những quy định rất cụ thể.
Đặc biệt, sinh viên cũng có thể cân nhắc, lựa chọn khá nhiều kênh để tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ hoặc miễn lãi suất an toàn, đó là các kênh hỗ trợ từ ngân sách như: Vay vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (mỗi học sinh, sinh viên được vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng, tương đương 40 triệu đồng/năm) với lãi suất hiện nay là 6,6%/năm; vay vốn theo chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến (mức vay tối đa 10 triệu đồng, lãi suất 1,2%/năm)…
Và hơn hết, các chuyên gia khuyên người lao động, sinh viên cũng cần trang bị cho mình những kiến thức để hiểu biết rõ hơn về những cái “bẫy” cho vay nặng lãi như vay trả góp hằng ngày, tưởng vay nhanh lãi thấp như tính ra tháng, năm là vô cùng cao… để tự bảo vệ bản thân và gia đình.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()