Bất an vì doping
Cơ quan kiểm soát doping thế giới vừa thông báo, vận động viên (VĐV) Trần Hà Vi của đội tuyển aerobic Việt Nam dính doping (thuốc kích thích tăng sức khỏe thuộc danh mục cấm trong thể thao) tại Giải thể dục nhịp điệu vô địch châu Á 2023. Sau thông báo trên, Trần Hà Vi đã có đơn tường trình với Liên đoàn Thể dục Việt Nam và khẳng định, bản thân vô tình dính doping do tự ý sử dụng thuốc chữa viêm đường tiết niệu. Trần Hà Vi sẽ bị cấm thi đấu từ ngày 16-9-2023 đến 25-11-2025, song kịp trở lại tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á 2025 (SEA Games 33).
Trước Trần Hà Vi, 5 tuyển thủ điền kinh Việt Nam dính doping cũng vì vô tình và phải chịu án phạt không được tham dự SEA Games 32 khiến đội tuyển điền kinh Việt Nam mất ngôi đầu Đông Nam Á. Từng được kỳ vọng rất lớn nhưng việc bị cấm thi đấu hai năm khiến đô cử Trịnh Văn Vinh đánh rơi phong độ khi trở lại. Tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022, trong hơn 200 mẫu thử được xét nghiệm, có tới 14 mẫu thử dương tính với doping. Điểm chung là các trường hợp dính doping đều rơi vào VĐV tài năng, giành được nhiều thành tích thi đấu ở trong nước, khu vực và châu Á.
Các vận động viên điền kinh tuyên truyền thông điệp nói không với doping. Ảnh: MINH CHIẾN |
Có lần chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh (Cục Thể dục thể thao) khẳng định: “Có cho tiền thì VĐV điền kinh cũng không dám dùng doping”. Ông Thủy phân tích, hầu hết các VĐV của Việt Nam dính doping là do thiếu hiểu biết, vô tình sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Hậu quả để lại là vô cùng nghiêm trọng khi hình ảnh của thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng trên trường quốc tế, bản thân VĐV chịu sức ép từ dư luận và ảnh hưởng đến tương lai, cùng kế hoạch thi đấu của các đội tuyển.
Sở dĩ các VĐV Việt Nam hay vô tình nhiễm doping là do thiếu hiểu biết. Việt Nam vẫn chưa có phòng xét nghiệm doping đạt chuẩn quốc tế. Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có một phòng xét nghiệm doping tại Bangkok (Thái Lan) có thể đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, số bác sĩ, chuyên viên y tế có kinh nghiệm trong phòng, chống doping của Việt Nam còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Tài liệu tập huấn phòng, chống doping dành cho VĐV cũng chưa phát huy hiệu quả.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đoàn Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam cho biết, trong năm 2024, Trung tâm tiến hành tổ chức 4 lớp về giáo dục phòng, chống doping tại 4 trung tâm huấn luyện quốc gia ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ; tổ chức lớp bồi dưỡng cộng tác viên về giáo dục phòng, chống doping tại Hà Nội; truyền thông phòng, chống doping trực tiếp tại 15 giải đấu thể thao do các liên đoàn tổ chức...
Công tác phòng, chống doping của thể thao Việt Nam mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền mà chưa có những phương án can thiệp trực tiếp từ máy móc hay các thiết bị hỗ trợ hiện đại. Khi các giải đấu lớn như Olympic Paris 2024, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2024, SEA Games 33 đang tới gần, nỗi lo doping khiến nhiều VĐV thấy bất an.
Ý kiến ()