Bấp bênh giá dầu
Một cơ sở khai thác dầu mỏ của Nga.
Các nhà xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới vừa trải qua một trong những tháng 4 khó khăn nhất lịch sử, khi các biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu “vàng đen” giảm mạnh. Ðể cứu thị trường, các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là nhóm OPEC , đã đồng thuận cắt giảm sản lượng dầu ở mức kỷ lục là 9,7 triệu thùng/ngày, từ ngày 1-5 vừa qua. Tuy nhiên, giá dầu trên thị trường thế giới vẫn ở mức rất thấp.
Giới chuyên gia giải thích, dù nhiều nước từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa, dần mở cửa lại nền kinh tế, song các loại hình dịch vụ, vận tải chưa thể vận hành như trước đây; lo ngại về nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát đã khiến nhu cầu dầu mỏ chưa đạt kỳ vọng. Chuyên gia X.In-nét thuộc AxiCorp nhận định, dịch Covid-19 dần được kiểm soát ở nhiều nước, song điều không may là tâm lý lo ngại về số người nhiễm Covid-19 tăng trở lại còn tiếp tục đeo bám, ít nhất đến khi thế giới điều chế được vắc-xin phòng bệnh. Tại thị trường châu Á, giá dầu đảo chiều liên tục. Ngoài các yếu tố về nhu cầu, thì căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng tác động đến thị trường “vàng đen”, khi các chuyên gia nhận định nhiều quốc gia châu Á sẽ giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Mỹ.
Sản lượng dầu được các nước cắt giảm từ đầu tháng 5, với mục tiêu là nhanh chóng vực dậy giá dầu. Bộ Năng lượng A-rập Xê-út yêu cầu, ngoài cam kết theo thỏa thuận của OPEC , Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco từ tháng 6 cắt giảm sản lượng dầu thêm một triệu thùng mỗi ngày. Ðồng nghĩa, sản lượng dầu của Aramco, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất A-rập Xê-út và hàng đầu thế giới, được hạ xuống mức 7,5 triệu thùng/ngày. Yêu cầu của Chính phủ A-rập Xê-út được đưa ra trong bối cảnh Aramco thông báo lợi nhuận trong quý I năm 2020 giảm tới 25%. Giới lãnh đạo Aramco lo ngại, nhu cầu năng lượng toàn cầu sụt giảm do dịch Covid-19 sẽ hủy hoại những thành quả của công ty.
Ngay sau động thái từ A-rập Xê-út, Cô-oét cũng thông báo giảm sản lượng dầu thêm 80.000 thùng/ngày từ tháng 6, ngoài mức giảm mà nước này cam kết theo thỏa thuận của OPEC . Việc này ít nhiều đã cho thấy quyết tâm của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, trong bối cảnh có hoài nghi về việc các nước xuất khẩu dầu chậm chạp triển khai thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác, thậm chí sẵn sàng mở rộng các kho chứa ngay khi giá dầu phục hồi.
A-rập Xê-út “mở đường”, nhằm hối thúc các nước OPEC tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng, đồng thời tự nguyện cắt giảm sâu hơn mức cam kết để giúp thị trường dầu mỏ mau chóng trở về trạng thái bình thường. Giá dầu tại châu Á đã bật tăng trở lại, sau những phiên “hụt hơi”. Cụ thể, ngay sau quyết định của A-rập Xê-út, giá dầu WTI giao tháng 6 tăng 1,37%; dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7 tăng 0,71%… Tại Mỹ, Tổng thống Ð.Trăm cho biết, giá dầu thô tăng giúp thúc đẩy hoạt động của các công ty năng lượng nước này.
Theo ngân hàng ANZ, việc các thỏa thuận cắt giảm nguồn cung được cam kết ngày càng nhiều đã đẩy giá dầu thế giới đi lên, trong bối cảnh các nền kinh tế từng bước khởi động lại sau giai đoạn chững do đại dịch. Sự lạc quan có thể được cảm nhận nhiều nơi, song không ít nhà đầu tư cũng lo ngại rằng, tâm lý hưng phấn hiện tại trên thị trường dầu mỏ là quá sớm. Các chuyên gia của ngân hàng Commerzbank có trụ sở tại Ðức dự báo, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 để lại nhiều “vết tích” và thế giới cần nhiều năm để xóa bỏ.
Với lượng dầu dự trữ lớn hiện tại trên thế giới, cùng nhu cầu chưa thể ngay lập tức phục hồi, giá dầu có thể còn duy trì mức thấp thời gian tới. Ðại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và quan trọng hơn, nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, thậm chí đóng cửa kinh tế trên diện rộng, vẫn hiện hữu. Giá dầu, do vậy, còn bấp bênh.
Ý kiến ()