Bảo vệ trường lớp trong dịp hè: Ghi nhận ở Chi Lăng
LSO-Phòng chống bão lũ, bảo vệ tốt cơ sở vật chất trường lớp học trong dịp hè được ngành GD&ĐT huyện Chi Lăng xác định là một nhiệm vụ quan trọng; là sự chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới…
LSO-Phòng chống bão lũ, bảo vệ tốt cơ sở vật chất trường lớp học trong dịp hè được ngành GD&ĐT huyện Chi Lăng xác định là một nhiệm vụ quan trọng; là sự chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới…
Cán bộ Trường Tiểu học Chi Lăng (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) sắp xếp lại các thiết bị trong phòng thiết bị dạy học |
Nghe đài báo tin cơn bão số 2 sẽ ngược lên vùng Đông Bắc, thầy giáo Lăng Văn Thậm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Chi Lăng rất lo lắng. Mặc dù đã phân công bảo vệ và cán bộ trực theo lịch, song anh vẫn dành thời gian đi kiểm tra lại trường lớp; để kịp thời xử lý khi có bão về. Sự lo lắng của anh không phải là không có căn cứ, cách đây 1 năm, ngày 20/4/2012, chỉ trong 1 đêm, trường của anh bị cơn lốc “đánh” cho tan hoang với hàng trăm mét tường rào, hàng chục cây xanh bị đổ, nhiều phòng có tấm lợp bị tốc mái; kinh phí xây dựng, tu bổ lại hết trên 600 triệu đồng… Năm học 2012-2013, ngành GD&ĐT huyện Chi Lăng có 69 trường từ cấp học mầm non đến THCS với 175 điểm trường. Một lượng vật chất lớn như các thiết bị công nghệ thông tin đồ dùng dạy học, đồ chơi của các cháu đều để tại các nhà trường khi học sinh và giáo viên về nghỉ hè. Trừ các điểm trường chính nằm ở vị trí khá thuận lợi, hầu hết các phân trường đều ở các thôn bản xa, hẻo lánh, địa hình rất phức tạp như triền núi cao, ven khe suối, nơi thấp trũng…rất dễ bị xâm hại bởi con người và thiên nhiên. Vì vậy, việc bảo vệ trường lớp khỏi bị xâm hại, phòng chống có hiệu quả thiên tai bão lũ được đặt ra như một việc làm thường xuyên cũng như trọng tâm trọng điểm vào dịp hè.
Theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT và của UBND huyện, trong kế hoạch hè, việc phân công cán bộ giáo viên trực cùng bảo vệ là việc làm bắt buộc đối với các nhà trường. Ông Nghiêm Xuân Thành, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “ Trên thực tế, mỗi trường học có 1 bảo vệ trực 24/24 giờ, còn các điểm trường lẻ, các trường dùng nguồn đóng góp của học sinh để hợp đồng bảo vệ tại chỗ với mức thù lao hợp lý. Song chỉ riêng bảo vệ không thể giải quyết được tất cả các vấn đề. Vì vậy, ngoài đội ngũ cán bộ giáo viên trực hàng ngày, các nhà trường đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong phòng chống thiên tai, phòng chống trộm cắp tài sản… Thầy giáo Trịnh Sơn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Chi Lăng cho chúng tôi biết, đối với trường THCS, do đã kiên cố hóa đồng bộ nên không lo nhà đổ, song các cửa kính, mái tôn đều phải có sự kiểm tra thường xuyên trong mùa mưa bão. Vì vậy, tất cả các ngày trong tuần, nhà trường đều có cán bộ giáo viên trực, một mặt để lĩnh hội sự chỉ đạo của cấp trên về các công việc hàng ngày, mặt khác giải quyết các hoạt động trong hè ở nhà trường. Đối với phòng vi tính, cứ mỗi tháng 1 lần, đều đặn có cán bộ đến kiểm tra và khởi động máy.
Tuy nằm trong tiểu vùng khí hậu khắc nghiệt, song các trường tại xã Chi Lăng vẫn còn nhiều thuận lợi trong việc bảo vệ và phòng chống lũ bão. Công việc này đối với các trường vùng khó khăn còn phức tạp hơn nhiều. Nằm trên dải đồi có ta luy dương cao đến hàng chục mét, phân trường Rạng Đông của Trường Tiểu học & THCS xã Bắc Thủy với 5 phòng học lợp phi brô xi măng đã trên 15 năm tuổi. Mặc dù đã được tu sửa thường xuyên, song vẫn đứng trước nguy cơ tốc mái và sạt lở đất. Theo cô giáo Nguyễn Thị Tuyên, nhà trường đã thuê người dân ở sát trường trông coi, song vẫn chưa thể yên tâm. Cô nói thêm: “Phân trường này còn đỡ, phân trường Nà Toòng còn khổ hơn. Bình thường thì không sao, mỗi khi mưa đến nỗi lo lớp “tụt dốc” nguy hiểm tính mạng của cả thầy và trò. Hè năm nay chỉ cầu mong cho gió nhẹ, mưa thưa để phân trường được bình yên”.
Do phối hợp tốt với chính quyền và các đơn vị chức năng ở địa phương trong phòng chống thiên tai, bảo vệ trường lớp, các nhà trường ở Chi Lăng không đơn độc. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết, hiệu trưởng các nhà trường là thành viên Ban phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai của địa phương nên họ nắm chắc các phương án và luôn được sự trợ giúp của xã và nhân dân. Vấn đề là phương án của nhà trường phải được đội ngũ cán bộ giáo viên tập luyện thuần thục, khi ấy sự phối hợp sẽ vào nhịp hơn.
MINH HỒNG
Ý kiến ()