Bảo vệ trẻ em tương tác trên môi trường mạng
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị thông minh đã giúp con người, trong đó có trẻ em dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận nhiều thông tin.
Với trẻ em, internet cung cấp kiến thức, hỗ trợ các phương thức học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội. Tuy nhiên, môi trường này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ.
Phụ huynh hướng dẫn con cách sử dụng mạng an toàn. |
Tỷ lệ trẻ em được tiếp cận các thiết bị có kết nối mạng ngày càng tăng. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của internet, vẫn còn đó nhiều nguy hiểm, cạm bẫy khó nhận biết để trẻ tự phòng tránh như truy cập vào những nội dung xấu, thông tin giả; bị bắt nạt, dụ dỗ trên mạng xã hội; có nguy cơ nghiện sử dụng mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập và sinh hoạt hằng ngày…
“Con trai tôi nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi, là niềm tự hào của cả gia đình. Thế nhưng từ khi cha mẹ đi làm xa nhà, không có thời gian quan tâm sát sao, con bị bạn bè rủ rê, lôi kéo và bắt đầu nghiện chơi điện tử. Để thỏa mãn việc chơi game, con thường xuyên nói dối để trốn học, kết quả học tập sa sút, hay cáu gắt và có những hành vi bạo lực”, anh Trần Văn Hoàng ở đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ.
Hầu hết trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của trẻ về sử dụng internet và mạng xã hội an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhằm tăng cường bảo vệ, hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường internet và mạng xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021, yêu cầu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn.
Việc chủ động cập nhật xu hướng công nghệ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đánh giá của bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay chúng ta đã có nhiều công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Điển hình như hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với đường dây nóng là 0963.563.571 đã và đang phát huy nhiều tác dụng tích cực. Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng của Việt Nam (Viettel, VNPT, FPT) và các doanh nghiệp quốc tế (Microsoft, Facebook, TikTok…) đã có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em cũng như tham gia vào mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đặc biệt, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng cũng như nhận biết những thông tin, video clip độc hại, không phù hợp. Hơn ai hết, cha mẹ chính là những người “gác cổng”, “lá chắn” cho trẻ nên cần chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp về công nghệ để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, giúp con em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.
Ý kiến ()