Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ tai nạn giao thông
Tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở trẻ em ở Việt Nam cao hơn nhiều so tỷ lệ bình quân trên thế giới và khu vực, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, TNGT liên quan đến trẻ em và nạn nhân là trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Ðể giải quyết vấn đề nhức nhối này, năm 2018, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã quyết định chọn là “Năm ATGT cho trẻ em”.
Ðội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông là hết sức cần thiết.
90% số vụ tai nạn liên quan học sinh cấp THPT
Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, tại Hà Nội, TNGT liên quan trẻ em đã gia tăng ở cả ba tiêu chí: số vụ, số trẻ bị chết và số trẻ bị thương. Học sinh cấp trung học phổ thông (THPT) là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong ba năm gần đây. Năm 2016, tỷ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp THPT tại Hà Nội ở mức 7,39/100 nghìn học sinh. Con số này cao hơn nhiều so với trung bình một số nước trong khu vực châu Á (cao gấp 1,25 lần so Cam-pu-chia; 2,73 lần so Nhật Bản và 1,84 lần so Hàn Quốc). Theo kết quả nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh, học sinh cấp THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây. Thực hiện đề án nghiên cứu này, PGS, TS Chu Công Minh (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho biết, ba nguyên nhân hàng đầu góp phần gây TNGT đối với trẻ em bao gồm: vi phạm tốc độ (nguyên nhân hàng đầu), đi sai phần đường và thiếu quan sát. Ðáng chú ý, nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường, học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện với tỷ lệ lên tới 52%. Tính đến hết năm 2017, chỉ xét riêng hộ gia đình có học sinh cấp THPT tại Hà Nội, qua nghiên cứu cho thấy có tới hơn 200 nghìn xe đạp điện và xe máy điện lưu hành, góp phần không nhỏ vào vấn đề ùn tắc và TNGT tại Thủ đô. “Sự thay đổi rất nhanh từ đi bộ và xe đạp sang xe đạp điện và xe máy điện, loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25 đến 50 km/giờ) có thể lý giải tại sao học sinh cấp THPT lại chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây” – PGS, TS Chu Công Minh lý giải.
Bên cạnh đó, phần lớn học sinh còn vi phạm những quy định cơ bản khi tham gia giao thông: 34% xe máy không có gương chiếu hậu, với xe máy điện, tình trạng này là 81% và với xe đạp điện là 90%. Cũng trong khảo sát này, 33% học sinh đi bộ trả lời chưa được học cách đi bộ an toàn; 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục ATGT tại trường học.
Người lớn có vô tâm?
Vụ trưởng ATGT (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Văn Thạch nhận xét, trên thực tế, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em thiệt mạng vì TNGT, đó là chưa kể hàng nghìn trường hợp trẻ em bị đuối nước. Vì vậy, nhà trường và các ngành chức năng cần nhìn nhận lại và dành cho các em sự quan tâm đúng mức hơn trong vấn đề ATGT qua các hoạt động tuyên truyền hoặc những chương trình giảng dạy về ATGT một cách có hệ thống; thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn về điều khiển phương tiện như xe đạp điện, xe máy điện để các em có đầy đủ kỹ năng xử lý tình huống và tham gia giao thông có ý thức.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2017, tình hình TNGT cơ bản đã đạt mục tiêu giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương, song qua các nghiên cứu, số trẻ em thương vong do TNGT trong 10 năm trở lại đây không hề giảm mà có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính do trẻ em ở lứa tuổi học sinh chưa có nhận thức đầy đủ về ATGT, mức độ quan tâm đến sự an toàn của trẻ khi đi trên đường từ gia đình đến cộng đồng chưa được đặt ra một cách đúng nghĩa. “Trước thực trạng này, Ủy ban ATGT quốc gia đã chọn năm 2018 là “Năm ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em làm trung tâm bảo vệ và tuyên truyền kiến thức về ATGT, TNGT, từ đó tạo sức lan tỏa đến từng người thân và cộng đồng chung quanh, để vấn nạn giao thông phải được ý thức đến tế bào nhỏ của xã hội, quyết tâm năm 2018 thực hiện được mục tiêu giảm 10% thương vong do TNGT liên quan trẻ em” – ông Hùng nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ nhiều hơn nữa để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường. Loại phương tiện này có trọng lượng nhẹ, tốc độ cao, điều khiển không đơn giản và nếu xảy ra va chạm, hậu quả để lại rất nặng nề. Vì thế, trong thời gian trước mắt, các cơ quan chức năng cần phải thay đổi phương thức quản lý loại hình phương tiện này nhằm giảm nguy cơ TNGT đang gia tăng ở mức đáng báo động. Hiện nay, việc quản lý còn nhiều bất cập. Ðơn cử, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không cần giấy phép lái xe, chứng chỉ, giấy tờ, dẫn đến khó khăn nhất định cho các lực lượng thực thi pháp luật trong kiểm soát thông tin phương tiện, xử lý vi phạm trên đường (vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…). Từ đó, xuất hiện tâm lý coi thường pháp luật, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của phần lớn học sinh.
Ðể hạn chế hiểm họa từ xe đạp điện, xe máy điện, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi quy định liên quan việc kiểm soát xe điện trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; yêu cầu xe máy điện, xe đạp điện phải đăng ký đúng tiêu chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn mới cho lưu hành. Ðối với học sinh, cần phải được trang bị kiến thức, pháp luật ATGT bằng giáo trình, lồng ghép ngay với bộ môn giáo dục công dân hoặc kỹ năng sống hiện đang có trong khối kiến thức các cấp học của học sinh. Ðối với nhà trường, cần quan tâm hơn đến việc học sinh đến trường và về nhà an toàn, thông qua các cán bộ đoàn, có giải pháp giám sát, giáo dục, thưởng phạt đối với học sinh; gắn trách nhiệm của nhà trường đối với ngành giáo dục địa phương. Với trách nhiệm gia đình, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm các thành viên gia đình trong giáo dục nội bộ, ngoài việc xử phạt người giao phương tiện cho con cái (chưa đủ tuổi điều khiển – vấn đề này đã có quy định), cơ quan chức năng cần nghiên cứu có hình thức xử phạt tăng nặng để nâng cao tính răn đe.
Theo Nhandan
Ý kiến ()