Bảo vệ trẻ em trước “cạm bẫy” trên mạng xã hội
(LSO) – Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc mà nguyên nhân xuất phát do ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội (MXH). Mặc dù trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa có vụ việc nào nghiêm trọng xảy ra nhưng việc kiểm soát, quan tâm bảo vệ trẻ em khi sử dụng MXH là rất cần thiết.
Gần đây nhất, ngày 16/10/2020, dư luận bàng hoàng trước sự việc một bé gái 5 tuổi ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh đã tử vong sau khi xem và làm theo video hướng dẫn trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên kênh Youtube. Sự việc này không phải hi hữu. Trước đó, tháng 11/2019, đã có trường hợp bé trai 7 tuổi, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh cũng học theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên Youtube bằng khăn quàng đỏ, tuy nhiên, bé đã được gia đình ứng cứu kịp thời. Trường hợp khác, một bé trai 5 tuổi tại tỉnh Thanh Hóa đã bị một nghi phạm đem giấu dẫn tới cái chết thương tâm, mà nguyên nhân là do nghi phạm học thử thách “làm theo game” trên mạng.
Người dân thành phố Lạng Sơn hướng dẫn con xem video bổ ích trên mạng xã hội
Mặc dù trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa có trường hợp nào nghiêm trọng xảy ra, song thực tế không ít gia đình vẫn để con em thường xuyên xem, theo dõi các video “nhảm nhí” trên MXH. Chị Nguyễn Thị Thanh, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho hay: Mỗi khi bận rộn việc nhà, tôi thường mở hoạt hình trên điện thoại cho con xem nhưng không lường trước được trên Youtube có rất nhiều video với nội dung khác nhau, thậm chí là nội dung tiêu cực. Sau khi đọc được thông tin về vụ việc trên tôi thực sự cảm thấy lo lắng.
Hiện nay, trên không gian MXH có rất nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng về hình thức. Tuy nhiên, trong đó có chứa rất nhiều nội dung độc hại… Như trên Youtube có rất nhiều video có nội dung tiêu cực như các trò thử thách về cách thắt cổ nhưng không chết, video hướng dẫn cách tự hành hạ bản thân. Trước đó, trên Youtube cũng xuất hiện nhiều video mang tên thử thách “Momo”, “thử thách cá voi xanh” cũng với nội dung tương tự là hướng dẫn trẻ thực hiện những thử thách đáng sợ, kết thúc bằng việc tự sát. Mặc dù, các video này đã được kiểm soát nhưng nội dung vẫn len lỏi trá hình trong các phim hoạt hình như: heo peppa, fortnight, peppa pig…
Bên cạnh đó, trên môi trường mạng còn có rất nhiều trang web “đen” tràn ngập xu hướng bạo lực, cổ súy lối sống, cách ứng xử lệch lạc hoặc hướng dẫn tìm hiểu các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm khiến các em phải đối diện không ít nguy cơ, hiểm họa.
Để hạn chế các thông tin xấu, độc trên MXH nói chung, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh đã có nhiều biện pháp thiết thực. Cụ thể, năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành 5 văn bản định hướng tuyên truyền trên MXH gửi các sở, ban, ngành, địa phương; thường xuyên tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật An ninh mạng năm 2018. Bên cạnh đó, sở chủ động rà soát, phát hiện những thông tin xấu, độc trên MXH để xử lý và đề xuất cấp có thẩm quyền ngăn chặn, bóc gỡ. Bà Bùi Thị Hồng Hà, chuyên viên Phòng Thông tin – Báo Chí – Xuất Bản, Sở TT&TT cho biết: Từ năm 2019 đến nay, sở đã rà soát gửi Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT chặn truy cập 3 tài khoản facebook, 3 fanpage và bóc gỡ 5 video có nội dung xấu, độc ở địa phương.
Nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của MXH, ngành chức năng khuyến cáo phụ huynh cần kiểm soát, đồng hành cùng con em mình khi đọc, xem các video trên mạng, tăng cường cho con em tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng lành mạnh, giúp đỡ việc gia đình… để hạn chế thời gian các em tự mình truy cập Internet. Từ đó, giúp bảo vệ các em trên môi trường mạng và giúp các em có nhận thức đúng đắn khi sử dụng mạng Internet, tránh được các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thạc sỹ tâm lý học Đinh Thị Tình, Tổ Tâm lý giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết: Ở trẻ em, nhất là độ tuổi từ 3 – 8 tuổi có đặc điểm tâm sinh lý là vùng não trán trước đang phát triển nên khả năng ức chế hành vi rất kém. Trẻ luôn có tâm lý tò mò, có xu hướng muốn tự thực hiện và bắt chước mọi thứ để khám phá và luôn có cảm giác không thể thất bại. Do vậy, khi trẻ em xem các kênh video thiếu tính giáo dục hoặc đọc các thông tin xấu trên mạng sẽ khiến trẻ có những hành vi bắt chước, làm theo để khẳng định và thoả mãn tâm lý hiếu thắng. Từ đó, dẫn đến những hậu quả đau lòng không thể lường trước. |
Ý kiến ()