Bảo vệ thương hiệu: Ngăn chặn mối nguy từ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ
Hàng giả, hàng nhái đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, linh hoạt về giá cả, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp.
Vấn nạn hàng giả vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Không chỉ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà giờ đây những mặt hàng cao cấp như vàng, đồ trang sức cũng xuất hiện hàng giả.
Do đó, việc bảo vệ thương hiệu không chỉ giúp cho công ty tránh được các hoạt động giả mạo và lừa đảo mà còn giúp tăng giá trị thương hiệu trong mối quan hệ với đối tác và khách hàng.
Mối lo hàng giả bủa vây thị trường
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 16/4, Đội Quản lý Thị trường số 11 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh Nghệ An) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nghệ an tiến hành kiểm tra đột xuất một cửa hàng tư nhân tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 02 lắc trang sức bằng kim loại màu vàng mang nhãn hiệu Chanel có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn vận hành trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nói trên.
Cũng trong ngày 16/4, tại tỉnh Nam Định, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội Quản lý Thị trường số 1 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh Nam Định) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nam Định tiến hành kiểm tra đột xuất một cửa hàng tư nhân tại thành phố Nam Định đã phát hiện một số sản phẩm là bông tai, mặt dây chuyền bằng kim loại màu vàng mang nhãn hiệu của Chanel có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Theo đại diện cơ quan chức năng, chủ doanh nghiệp chưa xuất trình được được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa và không xuất trình được các tài liệu kèm theo hàng hóa nói trên.
Theo đánh giá trong vòng 2 tháng ra quân, lực lượng Quản lý Thị trường cả nước đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh vàng vi phạm, trong đó thu giữ các sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng.
Không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng càng phổ biến thì bị làm giả càng nhiều.
Bà Phạm Thị Bích Thủy, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây (nhà phân phối độc quyền máy tính Casio, đồng hồ Casio tại thị trường Việt Nam) cho hay các đối tượng thường nhắm đến những sản phẩm có công nghệ tốt để làm hàng giả, hàng nhái.
Với mặt hàng là máy tính Casio, đánh vào tâm lý muốn mua hàng giá rẻ, trong khi hàng thật có giá cao, hiện nay có rất nhiều sản phẩm của hãng bị làm giả và được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử.
"Máy tính chính hãng của Casio có giá 600.000-800.000 đồng, song hàng giả chỉ bằng một nửa và được rao bán trên một số trang web điện tử đặt hàng và khi đem đến bảo hành tại Công ty mới phát hiện là hàng giả và khi kích hoạt trên trang web của Công ty sẽ được bảo hành,” bà Thủy nói.
Tương tự, ông Đàm Hải Long, đại diện sở hữu công nghiệp của Công ty Panasonic Việt Nam cho biết các sản phẩm làm giả sản phẩm gia dụng và thiết bị điện của Panasonic khá phổ biến. Đơn cử một số sản phẩm của Panasonic bị làm giả nhiều hiện nay như máy sấy tóc, ấm siêu tốc, máy lọc nước, pin, ổ điện… được rao bán trên mạng xã hội, một số trang web thương mại điện tử với giá rẻ nhưng không đi kèm phiếu bảo hành chính hãng, thông số nhà sản xuất in trên giấy bảo hành và vỏ hộp...
“Công ty có cửa hàng bảo hành chính hãng, địa chỉ rõ ràng, do vậy khi mua hàng người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trên trang web của Công ty để tránh mua phải hàng giả,” ông Đàm Hải Long cho hay.
Nâng ý thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hầu hết các sản phẩm có uy tín, có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng, đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái.
Qua một số khảo sát cho thấy, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phổ biến ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ đến những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn.
“Hàng giả, hàng nhái đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, linh hoạt về giá cả, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ, nhập khẩu từ bên ngoài,” ông Sinh nói.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ liên tục thay đổi.
Cụ thể, kho hàng được lập ở vùng biên giới, sau đó chuyển phát nhanh đưa vào nội địa tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất chia nhỏ công đoạn, khi có khách đặt thì gom lại để lắp ráp, đóng gói. Do vậy, các doanh nghiệp, chủ sở hữu các thương hiệu lớn có sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin và cử đầu mối đại diện pháp lý để hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…
“Lực lượng chức năng đang tập trung triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là ngăn chặn việc rao bán công khai hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử; không còn tình trạng công khai sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các làng nghề…,” ông Nguyễn Đức Lê cho hay.
Còn theo Thiếu tá Trần Vũ Minh Hải, Phòng 4, Cục A05, trên không gian mạng đang xuất nhiều nhiều đối tượng bán hàng giả (hàng fake) của các thương hiệu lớn, với các mặt hàng hàng giả chủ yếu như túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… được nhập lậu về Việt Nam và rao bán trên không gian mạng.
“Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, Grab… không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để "qua mặt" lực lượng chức năng,” đại diện Cục A05 cho hay.
Trước thực trạng này, ngày 16/4, Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội đã ký hợp tác với Viettel Post Hà Nội nhằm mục tiêu đấu tranh phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vận chuyển qua đường bưu chính; hàng hóa vi phạm về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại khác trong hoạt động bưu chính.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Panasonic Việt Nam thông tin, doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái trên thị trường, đồng thời gia tăng hệ thống phân phối chính hãng để tiếp cận rộng rãi tới người tiêu dùng.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện rõ hàng thật - hàng giả thông qua các hoạt động của cơ quan quản lý thị trường. Tiêu biểu là tham gia trưng bày tại các gian hàng giới thiệu hàng thật - hàng giả của Tổng cục Quản lý thị trường.
Các hoạt động này giúp người tiêu dùng nhận diện trực quan hàng thật - hàng giả, từ đó tăng cường nhận thức, không tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả. Qua các lần tổ chức trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong phòng, chống hàng giả đã nâng lên rõ rệt./.
Ý kiến ()