Bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hậu quả mà mỗi người phải hứng chịu là khác nhau, trong đó, có phụ nữ và trẻ em gái – những đối tượng chịu ảnh hưởng gia tăng về sức khỏe sinh sản và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Ảnh minh họa |
Theo phân tích từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), phụ nữ, đối tượng chiếm phần lớn trong số nhân viên y tế tuyến đầu trong đại dịch COVID-19, phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm trước virus SAR-CoV-2 cao hơn. Các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang gặp phải tình trạng gián đoạn, tác động tới khả năng tiếp cận thuốc tránh thai và gia tăng rủi ro có thai ngoài ý muốn. Lệnh cách ly xã hội được áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia cùng với hệ thống y tế quá tải khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục không được quan tâm và gây gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Nghiên cứu gần đây của Quỹ UNFPA cũng nhấn mạnh, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp – trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả, có thể sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới.
Bên cạnh đó, tỉ lệ nữ giới phải làm việc trong thị trường lao động thiếu an toàn cao hơn và phải chịu ảnh hưởng về kinh tế nặng nề hơn từ đại dịch COVID-19. Gần 60% phụ nữ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói cao hơn. Lệnh đóng cửa trường học cùng với nhu cầu gia tăng của người cao tuổi đã khiến khối lượng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ cũng tăng theo.
Đặc biệt, đại dịch tác động nghiêm trọng tới những cộng đồng chịu thiệt thòi, làm trầm trọng thêm trình trạng bất bình đẳng và cản trở những nỗ lực nhằm giúp không ai bị bỏ lại phía sau. Những hành động ứng phó trước đại dịch COVID-19 tại mỗi quốc gia đóng vai trò quan tr ọng và sẽ quyết định tới tốc độ hồi phục của thế giới và tác động đến khả năng của chúng ta trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhân ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay, các văn phòng UNFPA được khuyến khích nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhấn mạnh đến các cách thức để bảo vệ những thành tựu không dễ gì đạt được, tìm kiếm những phương pháp duy trì đà phát triển hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Tại Việt Nam, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cũng đã chọn các thông điệp nhân ngày Dân số Thế giới 11/7 như: nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và nuôi dạy con cái; hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn; không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()