Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực điện máy
Đó là chủ đề buổi hội thảo do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Công ty điện tử LG tổ chức ngày 30/7 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, tổng doanh thu mặt hàng điện tử tiêu dùng của Việt Nam trong quý 1/2014 đạt 40.400 tỷ đồng, trong đó nhóm ngành công nghệ thông tin tăng trưởng tới 43% so với cùng kỳ năm trước (riêng mặt hàng máy tính bảng tăng 220%); nhóm sản phẩm điện tử gia dụng (tivi, dàn âm thanh), điện lạnh (tủ lạnh, điều hòa) và điện gia dụng (nồi cơm, lò vi sóng) cũng ghi nhận mức tăng trên 20%. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang phải đối mặt với những rủi ro như: Doanh nghiệp bán hàng hóa kém chất lượng với giá cả cao; cung cấp những thông tin sai lệch, gian dối, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ; khuyến mãi không trung thực, không cung cấp hóa đơn, chứng từ, từ chối bảo hành…
Hội thảo thu hút nhiều đại diện doanh nghiệp tham dự. (Ảnh: K.D) |
Cũng theo báo cáo của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã tiếp nhận 374 trường hợp khiếu nại. Trong đó, 276 trường hợp trực tiếp bằng văn bản, 98 trường hợp tư vấn qua điện thoại. Tỷ lệ giải quyết thành công là 76%. Lĩnh vực khiếu nại chiếm nhiều nhất là chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm và dịch vụ bảo hành.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng, cần nâng cao quyền thực thi pháp luật của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt là chỉ ra những hạn chế trong việc giải quyết đơn khiếu nại của người tiêu dùng…
Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù đã có hiệu lực từ 1/7/2011, nhưng sau hơn 3 năm thực hiện nhiều quy định vẫn chưa đi vào cuộc sống. Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ, người tiêu dùng có quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được khiếu nại…nhưng trên thực tế khi xảy ra khiếu kiện, khiếu nại, các tổ chức kinh doanh hàng hóa vẫn cố tình lập lờ, làm lơ và tìm mọi cách từ chối trách nhiệm, hoặc cố tình kéo dài thời gian với nhiều thủ tục nhiêu khê, rắc rối để khách hàng nản lòng, từ bỏ việc khiếu kiện.
Chung quan điểm này, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho biết thêm, hiện tất cả các công ty lớn đều công bố chính sách bảo hành nhưng chúng ta cần chú trọng đến việc thực hiện những cam kết đó như thế nào vì trên thực tế, hầu hết khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến Hội đều có đề cập đến việc doanh nghiệp thực hiện bảo hành không đúng chuẩn mực.
Về phía người tiêu dùng, ông Vương Ngọc Tuấn cũng đưa ra lời khuyên đó là: khi đi mua sắm người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông tin liên quan đến sản phẩm cũng như điều kiện bảo hành và phải có hóa đơn chứng từ rõ ràng; không nên mua hàng qua mạng, tivi, điện thoại mà mình chưa hiểu rõ về chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp phát hiện hàng hóa kém chất lượng hoặc gặp rắc rối liên quan đến các thủ tục mua bán hàng hóa, người tiêu dùng cần liên hệ tới các cơ quan chức năng và Hội bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, việc xây dựng một tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đủ mạnh là cần thiết hơn bao giờ hết, điều này sẽ góp phần hạn chế những bức xúc của người mua hàng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()