Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại khu vực nông thôn: Cần nâng cao kiến thức cho người dân
(LSO) – Thời gian qua, khu vực nông thôn vẫn là thị trường “lý tưởng” mà các đối tượng xấu lợi dụng để lừa bán các loại hàng giả, hàng kém chất lượng. Nguyên nhân là do hiểu biết của người dân ở khu vực này về sản phẩm tiêu dùng còn hạn chế. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng nông thôn, việc nâng cao kiến thức cho người dân là một trong những giải pháp cần thiết.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 3.900 vụ vi phạm hành chính. Trong đó, có nhiều vụ vi phạm tại khu vực nông thôn. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhiều trường hợp do thiếu kiến thức nên đã mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
Người tiêu dùng tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm
Điển hình như trường hợp của ông Nông Văn Thắng, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc. Ông Thắng kể: “Cách đây 2 tháng, tại phiên chợ xã, tôi mua 1 chiếc quạt điện với giá hơn 300.000 đồng. Người bán hàng giới thiệu đây là hàng khuyến mại nên có giá rẻ nhưng chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, sau khi mua về được gần 1 tháng, chiếc quạt tôi mua đã bị hỏng. Tôi rất bức xúc vì mua phải hàng kém chất lượng”.
Phỏng vấn một số người tiêu dùng nông thôn khác tại địa bàn các huyện như: Cao Lộc, Lộc Bình…, chúng tôi nhận thấy có một số điểm chung như: hầu hết người dân chưa biết cách nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng; nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn sản phẩm chưa được nhiều người quan tâm. Cá biệt, có một số trường hợp người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa thậm chí chưa biết cách kiểm tra hạn sử dụng của hàng hóa khi mua.
Bà Nông Thị Thu Hường, Phó trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Cục QLTT tỉnh cho biết: Lợi dụng nhiều người tiêu dùng ham giá rẻ, chưa biết cách kiểm tra thông tin sản phẩm, các đối tượng tuồn các loại hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường nông thôn. Kéo theo đó là tình trạng gian lận trong kê khai, niêm yết giá, vi phạm về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, một số hàng hóa làm giả tem nhãn, nguồn gốc, hết hạn sử dụng cũng rất dễ bị trà trộn đưa vào tiêu thụ tại các chợ nông thôn. Vì vậy, nâng cao kiến thức để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở khu vực này là rất cần thiết.
Thực tế, tại các chợ trung tâm huyện, thành phố hiện nay đều có niêm yết thông tin để người tiêu dùng liên hệ với cơ quan chức năng khi mua phải hàng nhái, hàng giả. Song tại khu vực nông thôn, việc làm này còn rất hạn chế. Chính vì vậy, nhiều trường hợp người tiêu dùng khi mua phải các sản phẩm hàng nhái, hàng giả không biết cách liên hệ với cơ quan chức năng để giải quyết. Bên cạnh đó, một số trường hợp mua phải hàng nhái, hàng giả có tâm lý “ngại” báo cáo với chính quyền sở tại do sợ phiền phức.
Ông Lương Đăng Ninh, Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lạng Sơn cho biết: Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực khá phổ biến. Việc thiếu sự tương tác giữa người tiêu dùng và các lực lượng chức năng đã khiến việc quản lý, kiểm soát chất lượng hàng tiêu dùng gặp nhiều trở ngại. Trên thực tế, từ đầu năm 2020, đơn vị chưa tiếp nhận ý kiến phản ánh từ người tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nông thôn, từ năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng ở khu vưcực nông thôn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép cho hơn 9.500 lượt người, phát trên 3.700 tờ rơi, tổ chức tuyên truyền qua các phương tiện khác trên 600 lượt. Cùng đó, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lạng Sơn đã tổ chức tuyên truyền ở khu vực nông thôn, thu hút khoảng 1.000 hộ kinh doanh, người tiêu dùng tham gia. Hiện nay, các đơn vị đã và đang xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị truyền thông để viết bài, đưa tin, xây dựng các phóng sự chuyên mục về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Tuy nhiên, cùng với các giải pháp đồng bộ của cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu, tự nâng cao quyền và trách nhiệm khi đóng vai trò là chủ thể tham gia thị trường. Từ đó, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Ý kiến ()