Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh trên không gian mạng
- Với sự phát triển của xã hội và công nghệ thông tin, người tiêu dùng hiện nay thường giao dịch mua bán hàng hóa trên không gian mạng, qua các mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok, sàn thương mại điện tử… Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh trên không gian mạng ngày càng trở nên cấp thiết.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh có hoạt động quảng cáo, bán hàng trên không gian mạng tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc
Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh trên không gian mạng rất khó khăn, phức tạp. Các đối tượng vi phạm thường sử dụng thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện như: dùng các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội giả mạo để quảng cáo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng; sử dụng các hình thức thanh toán, vận chuyển phức tạp để che dấu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…
Trước thực tế đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng như người tiêu dùng về các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh trên không gian mạng được các ngành chức năng liên quan như công thương, quản lý thị trường (QLTT) đặt lên hàng đầu. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các ngành chức năng liên quan đã tổ chức 25 hội nghị, hội thảo với hơn 2.000 lượt người tham dự để tuyên truyền về văn minh thương mại, trong đó có nội dung quan trọng về kỹ năng nhận biết hàng thật – hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.
Đồng thời, lực lượng QLTT đã tổ chức vận động 2.607 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh có hoạt động quảng cáo, bán hàng hóa trên không gian mạng ký cam kết không vi phạm pháp luật; tổ chức tuyên truyền thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường được 2.505 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh; phát 496 tờ rơi khuyến cáo người kinh doanh, người tiêu dùng về các quy định trong việc kinh doanh trên không gian mạng; niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại hơn 500 điểm kinh doanh xăng dầu, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh kiểm tra sản phẩm hàng hóa tại cơ sở có hoạt động kinh doanh trên website thương mại điện tử (tại thành phố Lạng Sơn)
Cùng với đó, các đội trực thuộc Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện những biện pháp rà soát, phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên không gian mạng bao gồm các cửa hàng số, cơ sở tham gia kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, các hội nhóm, fanpage… Qua đó, đã phát hiện và xử lý 155 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh trên không gian mạng; xử phạt vi phạm hành chính gần 1,4 tỷ đồng; hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy trị giá hơn 1,6 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Bình Nguyên, Đội trưởng Đội QLTT số 6 cho biết: Ngày 12/3 vừa qua, đội đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa đối với cơ sở kinh doanh L.P.T tại Ki ốt B06, Trung tâm thương mại Phú Lộc Plaza, thành phố Lạng Sơn. Qua kiểm tra thực tế, đội phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng hoá trên website thương mại điện tử “https://xiaomilangson.com” có chức năng đặt, bán hàng trực tuyến nhưng không thông báo website bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đội đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng với chủ cơ sở.
Mặc dù công tác đấu tranh, phòng, chống các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh trên không gian mạng đã có những kết quả tích cực, nhưng xác định với xu hướng hiện nay, thương mại điện tử còn phát triển mạnh, do vậy ngành công thương tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, trong đó tập trung vào việc xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch, công bằng và an toàn.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đề án về chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh liên quan đến thương mại điện tử, lợi dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm hạn chế tối đa sản phẩm hàng hóa vi phạm giao dịch trên không gian mạng để bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng.
Chủ đề xuyên suốt từ năm 2023 đến nay trong việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng Việt Nam do ngành công thương phát động là “Thông tin minh bạch – tiêu dùng an toàn”, trong đó có nội dung quan trọng là tiêu dùng an toàn trên không gian mạng. Để thực hiện hiệu quả chủ đề này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thì việc mỗi người tiêu dùng tự nâng cao nhận thức và mạnh dạn tố giác các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh trên không gian mạng là điều rất quan trọng. Qua đó, không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, an toàn và lành mạnh.
Từ đầu năm 2023 đến nay lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý 155 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh trên không gian mạng; xử phạt vi phạm hành chính gần 1,4 tỷ đồng; hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy trị giá hơn 1,6 tỷ đồng... |
Ý kiến ()