Bảo vệ quyền lợi của người lao động
Hôm qua, ngày 23-10 là ngày làm việc trực tuyến thứ tư của kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV.
Tăng cường hiệu quả phòng, chống và điều trị HIV/AIDS
Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), nhiều đại biểu QH khẳng định: Kết quả phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta sau 13 năm thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 là khá thành công, có ý nghĩa tích cực, nổi bật, nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân tăng lên. Tình hình nhiễm HIV đã giảm cả ba mặt là số người mới nhiễm, số chuyển sang AIDS, số người chết có liên quan HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia trên thế giới có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất…
Hầu hết đại biểu tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật đã được thể hiện trong Tờ trình. Dự án luật sửa đổi, bổ sung cần khắc phục tốt nhất những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tập trung các quy định về: mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.
Một trong những quy định được các đại biểu quan tâm là đề xuất bỏ Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Có ý kiến cho rằng, quỹ bảo trợ cho người nhiễm HIV/AIDS có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước đối với những người nhiễm, vì vậy cần tiếp tục được hoạt động. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị, không nên tiếp tục duy trì Quỹ này bởi trong thực tế hoạt động của Quỹ đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế về cơ chế hoạt động, nhân lực …. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực cho Quỹ trong những năm qua gặp nhiều khó khăn; phạm vi và mức độ tài trợ của Quỹ chưa tạo được dấu ấn trong cộng đồng và xã hội.
Ðộ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV cũng là nội dung có ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đề nghị: Ðể bảo đảm xét nghiệm sớm, phát hiện và điều trị kịp thời, tăng cường phòng ngừa lây nhiễm HIV, các cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, từ đó đưa ra một phương án độ tuổi tối thiểu hợp lý của người tự nguyện xét nghiệm HIV.
Tạo thuận lợi để người lao động làm việc ở nước ngoài
Buổi chiều, QH thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Liên quan các chủ thể tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và việc thành lập các chi nhánh của doanh nghiệp, dự thảo Luật đang thể hiện hai phương án. Nhiều đại biểu QH đồng ý với phương án giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ. Theo đó, quy định chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề xuất, cần quy định rõ điều kiện không thu tiền dịch vụ người lao động và không làm phát sinh bộ máy để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật phù hợp thực tế; khi triển khai điều này tại các địa phương giúp người lao động kịp thời có việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống…
Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ theo Ðiều 17, một số ý kiến đại biểu QH cho rằng, quy định chỉ được giao cho không quá ba đơn vị phụ thuộc thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chưa phù hợp Luật Doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Ðại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị: Không nên hạn chế số lượng chi nhánh của các doanh nghiệp dịch vụ, qua đó có thêm cơ hội cho người lao động lựa chọn và tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho biết thêm: Nhiều doanh nghiệp đã lách luật bằng cách chỉ mở ba chi nhánh nhưng lại thành lập nhiều văn phòng đại diện đăng ký hoạt động tại các tỉnh, thành phố. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ quy định này và cần xem xét, phân biệt rõ khái niệm chi nhánh và văn phòng đại diện với các chức năng liên quan. Ðồng thời cần có thêm các quy định về quản lý nhằm hạn chế tình trạng lách luật như hiện nay nhưng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển thị trường, giúp người lao động tiếp cận dịch vụ thuận tiện hơn.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong rất nhiều ngành, nghề kinh doanh của một doanh nghiệp. Vì vậy. dự thảo Luật chỉ hạn chế số lượng chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không hạn chế số lượng chi nhánh đối với ngành, nghề kinh doanh khác của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, báo cáo tổng kết thi hành Luật đã chỉ rõ tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này chủ yếu xảy ra tại các chi nhánh của doanh nghiệp; nếu để quá nhiều chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động trong khi năng lực quản trị hạn chế thì khó kiểm soát, xuất hiện nạn lừa đảo như đã xảy ra thời gian qua…
Ý kiến ()