Bảo vệ phát huy giá trị di sản: Sự vào cuộc tích cực của ngành GD&ĐT
LSO – Trong 5 nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thì nội dung thứ 5: Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng ở địa phương mang ý nghĩa xã hội rộng lớn.
Học sinh Trường THCS thị trấn Thất Khê tham quan di tích Bác Hồ về thăm huyện Tràng Định
Ngành GD&ĐT đã nhận thức sâu sắc những di sản nói chung là tài sản vô giá mà các thế hệ cha ông đã xây dựng và vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, nếu phát huy tốt những giá trị này, sẽ góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc và qua thế hệ này, các giá trị di sản được nhân lên và truyền tiếp cho các thế hệ sau. Vì vậy, trong nhiều năm qua, các nhà trường đã có ý thức cho học sinh nhận chăm sóc di sản và coi di sản là những “nhân chứng lịch sử”để giáo dục học sinh. Đặc biệt, từ khi thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, những di sản này đã từng bước gắn với các nhà trường.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển khai Kế hoạch Liên ngành giữa Bộ GD&ĐT- Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã chỉ đạo các phòng Văn hóa thông tin phối hợp chặt chẽ với các nhà trường lập kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa; đưa các trò chơi, trò diễn, nghệ thuật trình diễn dân gian và phát triển mạng lưới thư viện trên địa bàn. Ngành đã cung cấp 118 danh mục di tích đã được xếp hạng (trong đó có 23 điểm và khu di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 95 di tích cấp tỉnh) trong tổng số 581 di tích trên địa bàn; cung cấp nội dung thuyết minh và các tư liệu liên quan đến nội dung, giá trị lịch sử của di tích cho các nhà trường. Song song với việc hướng dẫn các nhà trường chăm sóc bảo vệ 82 di tích, đài tưởng niệm, khuôn viên lưu niệm… với 1.000 lượt trường tham gia, ngành còn phổ biến truyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ phát huy giá trị di sản cho học sinh sinh viên (HSSV). Tạo điều kiện cho HSSV tham quan, học tập, nghiên cứu… trong 5 năm qua đã đón 66.510 lượt HSSV đến tham quan, học tập thực tế tại các bảo tàng và di tích, nhất là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Bảo tàng cách mạng Bắc Sơn, Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri… Chủ trì phối hợp tổ chức các ngày hội sách, kể chuyện theo sách với các chủ đề lịch sử văn hóa. Chủ động phối hợp với các nhà trường đưa các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian vào nhà trường. Tổ chức các lớp dạy hát then đàn tính cho giáo viên cốt cán âm nhạc của tất cả các phòng giáo dục, giáo viên và học sinh tại các địa phương như Văn Lãng, Văn Quan, thành phố Lạng Sơn…
Đồng chí Bế Thị Vẫn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Lãng nói rằng, việc các di tích lịch sử gắn với các nhà trường đã mang lại lợi ích nhiều mặt; một mặt với đội ngũ học sinh đông đảo, các nhà trường luôn đảm bảo di tích sạch sẽ. Quan trọng hơn, học sinh học được những bài học “ngoài nhà trường” ngay từ giá trị tự thân của các di tích. Một ví dụ cụ thể là từ khi Trường THCS xã Hoàng Văn Thụ nhận chăm sóc nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, thì nhà trường coi đó là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục đạo đức nói chung và truyền thống quê hương nói riêng. Đối với huyện Bắc Sơn- cái nôi của cách mạng, ngành GD&ĐT đã biết thừa hưởng và tận dụng các di sản trong công tác giáo dục. Với các hoạt động chăm sóc và bảo vệ di tích, các nhà trường đã tận dụng tốt ưu thế của địa phương trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh.
Nếu các di sản vật thể có thể nhìn thấy được, sờ thấy được, thì những di sản phi vật thể phải có người hướng dẫn, truyền đạt. Hát then, đàn tính là di sản mang nét đặc sắc nhất của các dân tộc Việt Bắc nói chung và Lạng Sơn nói riêng. Thầy giáo Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Tri (Văn Quan) nói rằng, đưa đàn tính hát then vào nhà trường không chỉ là khôi phục lại tiếng đàn, lời ca, mà cao hơn còn là sự bồi dưỡng cốt cách tâm hồn dân tộc cho thế hệ trẻ. Nếu trước đây thanh niên không biết hát then, không biết chơi đàn tính, không phải là họ quay lưng lại với vốn cổ truyền, mà thực sự chúng ta đã sao nhãng vấn đề này.
Bảo vệ di sản là trách nhiệm chung của mỗi người công dân, song làm thế nào để phát huy di sản lại là vấn đề khác. Trong thời gian qua, ngành văn hóa và ngành giáo dục đã phối hợp với nhau để cùng bảo vệ và khai thác di sản một cách đúng hướng. Đó là sự tất yếu, vì di sản phải được gìn giữ và nối truyền; người gìn giữ, nâng cao giá trị và truyền lại cho thế hệ sau không ai khác chính là HSSV các nhà trường- những người nắm giữ vận mệnh dân tộc, phát triển cốt cách và tâm hồn dân tộc.
Ý kiến ()