Bảo vệ những “lá phổi xanh”
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) mới đây đưa ra cảnh báo, việc không đưa những nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng vào trọng tâm của các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm chậm quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh, bền vững và thịnh vượng cho loài người.
Những vùng diện tích rừng - vốn đóng vai trò then chốt trong điều tiết khí hậu, chất lượng không khí và nước, cung cấp môi trường sống cho các loài động thực vật, bị đe dọa bởi nạn chặt phá rừng, cháy rừng, rừng ngập mặn đang đe dọa đến chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu.
Được công bố trước thềm hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu vừa diễn ra ở Bonn (Đức), báo cáo của UNEP cho biết, thế giới đã không hoàn thành được mục tiêu giảm khí nhà kính mà các quốc gia đề ra trong giai đoạn 2017-2021 và đảo ngược tình trạng mất rừng vào năm 2030. Việc nhiều quốc gia đang đi chệch mục tiêu đề ra vào năm 2030 là ngăn chặn nạn phá rừng có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu, gia tăng nghèo đói và gây mất đa dạng sinh học.
Bà Dechen Tsering, Quyền Giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu của UNEP nhấn mạnh, cần bảo đảm hoàn thành mục tiêu năm 2030, trong bối cảnh mục tiêu giảm một nửa diện tích rừng bị chặt phá vào năm 2020 đã không thể hoàn thành. Các kế hoạch hành động về khí hậu, dự kiến vào năm 2025, cần có các mục tiêu cao, thống nhất, chi tiết và có hành động cụ thể để bảo tồn, phục hồi và sử dụng rừng bền vững, trong bối cảnh nhiều cánh rừng trên thế giới đang “kêu cứu” trước tình trạng bị tàn phá hiện nay.
Một nghiên cứu được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) công bố đã làm sáng tỏ tình trạng nguy cấp của hệ sinh thái rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Rừng ngập mặn bao phủ khoảng 15% bờ biển của thế giới, với tổng diện tích lên tới 150.000 km2. Nghiên cứu đánh giá 36 khu vực khác nhau cho thấy, số liệu thống kê đáng báo động là 50% hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang bị tổn hại, cùng với 20% diện tích được phân loại là dễ bị tổn thương, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp.
Rừng ngập mặn đang bị đe dọa đáng kể do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và ô nhiễm. Hơn 30% hệ sinh thái rừng ngập mặn được đánh giá đang gặp nguy hiểm, do biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao. Theo IUCN, nếu không có sự can thiệp quyết liệt, 25% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu sẽ bị nhấn chìm trong vòng 50 năm tới, nhất là tại các khu vực như tây bắc Đại Tây Dương, bắc Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, Biển Đông và Vịnh Aden.
Bà Angela Andrade, Chủ tịch Ủy ban Quản lý hệ sinh thái của IUCN đánh giá, việc mất rừng ngập mặn sẽ là thảm họa đối với thiên nhiên và con người trên toàn cầu. Các hệ sinh thái này cung cấp các dịch vụ quan trọng như giảm thiểu rủi ro thiên tai ven biển, hỗ trợ nghề cá, đồng thời lưu trữ và cô lập carbon. Hiện nay, rừng ngập mặn lưu trữ gần 11 tỷ tấn carbon - gần gấp ba lần lượng carbon được lưu trữ bởi các khu rừng nhiệt đới có cùng diện tích. Tuy nhiên, nếu bị tổn hại, 1,8 tỷ tấn carbon được lưu trữ trong rừng ngập mặn có thể “được giải phóng” vào năm 2050.
Trong khi đó, tình trạng cháy rừng đe dọa nghiêm trọng những “lá phổi xanh” lớn của thế giới. Trong bốn tháng đầu năm 2024, rừng nhiệt đới Amazon khu vực thuộc lãnh thổ Brazil chứng kiến diện tích cháy rừng cao kỷ lục trong 25 năm qua. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) Brazil, từ tháng 1 đến tháng 4 vừa qua, hơn 12.000 km2 đất rừng Amazon khu vực thuộc Brazil đã bị thiêu rụi, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập năm 1999.
Diện tích cháy rừng tương đương diện tích bang Connecticut của Mỹ và lớn hơn diện tích Qatar. Cháy rừng ở Amazon thường không xảy ra tự nhiên mà chủ yếu do hoạt động đốt phá, khai hoang của con người để lấy đất làm nông nghiệp. Dữ liệu từ INPE cho thấy, tính đến ngày 9/6, số vụ cháy rừng trong năm 2024 đã tăng 935% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong giai đoạn này, nhà chức trách đã ghi nhận 1.315 vụ cháy, so với chỉ 127 vụ cháy trong cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số đáng báo động khi mùa cháy rừng cao điểm ở Brazil thường bắt đầu vào tháng 7.
Cháy rừng hiện đang tiếp tục tàn phá khu vực Pantanal của Brazil - vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới, đồng thời là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như báo đốm, thú ăn kiến hay rái cá khổng lồ. Tính đến nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi gần 32.000 ha rừng ở bang Mato Grosso do Sul, trung tây Brazil.
Hồi tháng 4 vừa qua, chính quyền bang này phải ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường, với lý do lượng mưa thấp tạo điều kiện cho cháy rừng lan rộng. Theo Bộ Môi trường Brazil, số vụ cháy rừng ở Brazil và các quốc gia khác trong khu vực như Chile và Colombia, đã gia tăng do biến đổi khí hậu và một trong những đợt El Nino mạnh nhất trong lịch sử.
Trong khi đó, tại khu vực Bắc Mỹ, cháy rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế và sức khỏe con người. Hằng năm tại California và các khu vực khác ở Mỹ, diện tích rừng và đồng cỏ bị cháy rất lớn, gây thiệt hại hàng triệu USD và làm nhiều người thiệt mạng. Ô nhiễm do các đám cháy rừng ở bang California làm hơn 52.000 người chết trong một thập kỷ qua trong bối cảnh khu vực phía tây nước Mỹ đang phải đối mặt mùa hè nóng bức có thể gây ra nhiều đám cháy rừng hơn nữa.
Rừng có khả năng đóng góp tới một phần ba nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, như được nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tuy nhiên, theo báo cáo của UNEP, chỉ có 8 trong số 20 quốc gia hàng đầu phá hoại rừng nhiệt đới đã tích hợp đầy đủ kế hoạch bảo tồn rừng vào các hành động khí hậu quốc gia, còn được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo các nhà môi trường, hoạt động tài trợ bền vững cho bảo tồn rừng cần đi kèm với việc hài hòa các chính sách và luật pháp khí hậu quốc gia để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Việc cung cấp các phương thức sinh kế thay thế cho các cộng đồng bản địa và địa phương là chìa khóa để bảo tồn rừng nhiệt đới và nâng cao khả năng chống chịu khí hậu của người dân. Trước nguy cơ diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp đe dọa hệ sinh thái, nhu cầu cấp thiết hiện nay là việc phối hợp ngăn chặn nạn chặt phá rừng, bảo tồn rừng ngập mặn, kiểm soát cháy rừng, duy trì hệ sinh thái rừng bền vững.
Ý kiến ()