Bảo vệ nguồn nước vì sự thịnh vượng
Diễn đàn Nước thế giới (WWF) lần thứ 10 với chủ đề "Nước vì thịnh vượng chung" đang diễn ra tại Bali (Indonesia), quy tụ sự tham gia của khoảng 30 nghìn đại biểu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cùng dân số tăng nhanh đẩy thế giới trước cuộc khủng hoảng nước trầm trọng, diễn đàn tạo cơ hội để các quốc gia cùng nhau tìm giải pháp nhằm bảo vệ bền vững "huyết mạch" của nhân loại.
Với hơn 200 phiên họp, WWF lần thứ 10 tập trung thảo luận về các vấn đề gồm bảo tồn nước, nước sạch và vệ sinh; an ninh lương thực; năng lượng và giảm nhẹ thiên tai. Trả lời phỏng vấn báo chí, Cố vấn đặc biệt của Bộ Công trình và Nhà ở công cộng Indonesia Firdaus Ali cho biết, WWF lần này tập trung bàn về tác động của biến đổi khí hậu đối với cơ sở hạ tầng nước và các giải pháp nhằm tăng khả năng phục hồi nguồn nước trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nước là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, quyết định sự sống của nhân loại. Thậm chí, với vai trò sống còn đối với sự sống của con người và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, tài nguyên nước được sử dụng như một công cụ chính trị. Trên thực tế, tình trạng tranh giành nguồn nước đã và đang xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới.
Tại lễ khai mạc WWF lần thứ 10 ở Bali, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định: Không có nước thì không có thức ăn, không có hòa bình, không có sự sống, vì vậy, nước phải được quản lý tốt vì mỗi giọt đều quý giá.
Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển toàn cầu cho thấy, nếu biến đổi khí hậu tiếp tục xu hướng hiện tại, 50 triệu người trên toàn châu Phi có thể sẽ bị đẩy vào tình trạng thiếu nước vào năm 2050. Với nhu cầu về tài nguyên nước cao, giá nước sẽ tăng vọt trên khắp châu Phi. Bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường, một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đang ngày càng khó trở thành hiện thực.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết vào năm 2050, ước tính có khoảng 500 triệu nông dân sẽ thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do hạn hán. Còn theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng một phần ba tổng số con sông ở Mỹ Latin, châu Phi và châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm. Tình trạng suy giảm và ô nhiễm nguồn nước đến từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh yếu tố tự nhiên như thời tiết khắc nghiệt còn phải kể đến các hoạt động của con người, như đô thị hóa, bùng nổ dân số, ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, y tế; hoạt động xây dựng, phát triển công nghiệp, sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững…
WWF lần thứ 10 là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn cuối cùng mà chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo đăng cai tổ chức trước khi ông Joko Widodo kết thúc nhiệm kỳ. Bởi vậy, việc tổ chức thành công diễn đàn quốc tế lớn về nước cũng là một dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Indonesia.
Thông qua Diễn đàn, Indonesia mong muốn trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác trong quản lý hiệu quả tài nguyên nước. Bộ Công trình và Nhà ở công cộng Indonesia cho biết, thời gian tới, cơ quan này sẽ giới thiệu mô hình cơ sở hạ tầng nước để hỗ trợ nông nghiệp và sản xuất lương thực, có thể làm mô hình cho các quốc gia khác tham khảo.
Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy thành lập Quỹ nước toàn cầu để cung cấp hỗ trợ tài chính lâu dài cho các sáng kiến về nước sạch và vệ sinh, cũng như tài trợ cho chương trình ứng phó thảm họa liên quan đến nước ở các quốc gia đang phát triển. Indonesia đã xây dựng bảo tàng nước nhằm tôn vinh giá trị của tài nguyên nước trên khu đất gần Bảo tàng Subak ở làng Banjar Anyar của nước này.
Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới Loic Fauchon kêu gọi hãy để Trái đất là nơi con người và thiên nhiên cùng hòa hợp vì hòa bình, thịnh vượng; đồng thời đề xuất các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có đưa vấn đề nước vào luật pháp quốc gia và quy định của địa phương. Trước yêu cầu cấp bách phải bảo đảm việc tiếp cận nước công bằng cho mọi người dân, Diễn đàn được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều cam kết đột phá nhằm đạt được sự quản lý, sử dụng nước hiệu quả.
Ý kiến ()