Bảo vệ người tiêu dùng trong thời kinh tế số
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng số, mà cụ thể hơn là kinh tế số đã và đang tạo ra sự phát triển to lớn, thay đổi rõ nét không chỉ nền kinh tế mà còn tác động tới nhiều chủ thể tham gia các hoạt động tiêu dùng, văn hóa, xã hội, chính trị...
Những lợi ích và thách thức của nền kinh tế số hiện được quan tâm và phân tích từ nhiều khía cạnh, trong đó, một trong những nội dung thường xuyên được đặt ra ở vị trí trung tâm là bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (TTNTD).
Trong thời kỳ kinh tế số, TTNTD không chỉ giới hạn ở những nội dung truyền thống như thông tin định danh (họ tên, địa chỉ, điện thoại…); thông tin tài chính (số tài khoản, số thẻ ngân hàng…) mà còn gồm những thông tin mô tả hành vi, cách thức suy nghĩ và giao dịch của bản thân người tiêu dùng. Sự phát triển kỳ diệu của công nghệ thông tin đã cho phép một số doanh nghiệp thậm chí có thể thu thập gần như toàn bộ hành vi, TTNTD trong quá trình giao dịch, tham khảo thông tin trên mạng từ việc người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ gì; người tiêu dùng đang chia sẻ suy nghĩ gì hay chủ đề mà người tiêu dùng đang quan tâm trong các cuộc nói chuyện với bạn bè trên các mạng xã hội… Tất cả thông tin này được thu thập, tổng hợp và phân tích, từ đó giúp cho doanh nghiệp định hướng được những hoạt động, những nhóm người tiêu dùng mà doanh nghiệp sẽ tiếp cận để xúc tiến hoạt động quảng cáo, kinh doanh. Hoạt động thu thập và khai thác thông tin trên thậm chí đã trở thành một khái niệm cơ bản trong nền kinh tế số, đã phát triển quy mô siêu lớn với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin siêu khổng lồ. Các tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Amazon, Facebook… là những ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng này vào hoạt động kinh doanh.
Tại Việt Nam, rất dễ để một doanh nghiệp mua được danh sách khách hàng với thông tin chi tiết: vị trí địa lý, điện thoại, e-mail, chức vụ… thậm chí là lịch sử giao dịch của người tiêu dùng trong các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, mua bán hàng hóa… Các doanh nghiệp sử dụng những thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi e-mail với những mục đích khác nhau, thậm chí đã xuất hiện nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, mang tính chất lừa đảo người tiêu dùng. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thời gian qua, Cục đã tiếp nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo. Phần lớn các hoạt động liên hệ này đều chứa đựng ít nhất một vài thông tin chính xác của người tiêu dùng như họ tên, địa chỉ nhà, hoạt động mua bán từng thực hiện trong quá khứ tại một doanh nghiệp nào đó. Những thông tin chính xác này là căn cứ quan trọng để người tiêu dùng tin vào những nội dung chào mời của các đối tượng. Nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ rồi nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ một đến hai triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng. Việc liên hệ với các đối tượng lừa đảo để giải quyết các khiếu nại phát sinh thường là rất khó do các đối tượng sử dụng các thông tin liên hệ mạo danh hoặc không xác định được đối tượng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành từ năm 2010 có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ TTNTD. Những năm gần đây, vấn đề bảo vệ TTNTD đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và chủ động thực thi qua việc xây dựng các chính sách nội bộ về quản lý TTNTD. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều doanh nghiệp chưa nắm được các quy định này, dẫn đến, không có chính sách hoặc không có hành vi phù hợp khi thực hiện các giao dịch có phát sinh trao đổi TTNTD. Nhiều người tiêu dùng cho biết, trong quá trình nói chuyện, các đối tượng lừa đảo cung cấp chính xác thông tin về giao dịch của người tiêu dùng, cho thấy, việc bảo mật TTNTD đã không được thực hiện đúng quy định, dẫn tới rò rỉ và đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác, lừa đảo. Hiện nhiều người tiêu dùng trong quá trình cung cấp thông tin trên mạng xã hội, sử dụng các thông tin giao dịch tài chính đã không ý thức được các nguy hiểm tiềm ẩn khi bên thứ ba có thể khai thác và lợi dụng để lừa đảo.
Vấn đề bảo mật thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế số càng cần có những giải pháp hiệu quả như nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật các TTNTD, đồng thời nắm bắt các quy định pháp luật liên quan để tự bảo vệ quyền lợi. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch; thực hiện đúng các quy định pháp luật bảo vệ TTNTD, sử dụng hợp pháp và khai thác hiệu quả dữ liệu thông tin. Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử cũng cần được áp dụng mức độ bảo vệ tương đương các giao dịch truyền thống. Thực thi nghiêm các chế tài xử phạt khi phát hiện các hành vi vi phạm. Tăng cường hợp tác quốc tế giữa các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()