Bảo vệ người tiêu dùng trên chợ online
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân đều ưu tiên lựa chọn việc mua sắm online để hạn chế tập trung đông người.
Ở góc độ người tiêu dùng (NTD), hình thức mua sắm này có rất nhiều tiện ích. Theo đó, NTD chỉ cần ở nhà, truy cập internet, thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mong muốn. Tuy nhiên, việc giao dịch qua TMĐT hay mua hàng trực tuyến vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái… khiến NTD còn lo ngại.
Đi chợ online trên VinID giúp người dân mua sắm an toàn, tiết kiệm trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: baotintuc.vn |
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên các hội nhóm ở mạng xã hội với nội dung phản ánh hàng hóa nhận được không đúng như quảng cáo. Không chỉ bị lừa, có trường hợp khách hàng còn bị lôi vào những cuộc tranh cãi khi phản ánh về thông tin sản phẩm. Thậm chí hình ảnh, số điện thoại của họ bị tung lên mạng với mục đích bôi nhọ. Phản ánh của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, Bộ Công Thương cũng cho thấy: Thời gian qua, đơn vị này đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn, thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt NTD khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các sàn TMĐT. Điển hình là các phương thức sử dụng thông tin cá nhân của NTD để chiếm đoạt tài sản hay phương thức quảng cáo sản phẩm hàng hóa không đúng với thực tế để lừa đảo khách hàng.
Nêu trường hợp cụ thể, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD thông tin: Mới đây, anh N.H.T.A cư trú tại TP Hồ Chí Minh đặt mua một đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐT với giá 689.000 đồng. Sau khi nhận hàng và trả tiền, anh N.H.T.A phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh N.H.T.N liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn TMĐT và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh N.H.T.N đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước tình trạng nêu trên, theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam: Ở ngoài chợ truyền thống có một số người bán hàng không trung thực, trên chợ TMĐT cũng như vậy. Doanh nghiệp TMĐT phải làm sao để loại những thành phần không tốt đó, thúc đẩy nhân tố tốt phát triển. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều về quy cách, quy trình dịch vụ, đầu tư cho đội ngũ quản lý chất lượng, ghi nhận phản hồi của khách hàng. Đặc biệt quan trọng phải có cơ chế để người mua đánh giá được người bán.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD khuyến cáo, trước khi thực hiện giao dịch, NTD cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các phản hồi đánh giá về cửa hàng và sản phẩm; yêu cầu kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. NTD cũng có thể liên hệ với Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ NTD của Cục Cạnh tranh và bảo vệ NTD thông qua số 1800.6838 để được tư vấn khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi mua hàng trực tuyến, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục TMĐT và Kinh tế số xây dựng, hoàn thiện nền tảng đánh giá tín nhiệm TMĐT.
Ý kiến ()