LSO-Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước và nhân loại. Việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường là nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp phát triển lâu bền của đất nước nói chung, góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh ta nói riêng. ĐVTN Khối các cơ quan tỉnh ra quân tuyên truyền bảo vệ môi trườngThực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh bước đầu được ngăn chặn và có xu hướng giảm. Công cuộc...
LSO-Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước và nhân loại. Việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường là nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp phát triển lâu bền của đất nước nói chung, góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh ta nói riêng.
ĐVTN Khối các cơ quan tỉnh ra quân tuyên truyền bảo vệ môi trường
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh bước đầu được ngăn chặn và có xu hướng giảm. Công cuộc bảo vệ môi trường (BVMT) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đó là nhờ có các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cùng với sự tham gia, đóng góp tích cực của các cộng đồng dân cư và các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã.
Theo ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: ưu điểm nổi bật của hoạt động môi trường thời gian qua là có 6/9 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để gồm: Nhà máy xi măng X78, Bãi rác Kéo Tấu, Nhà máy xi măng Lạng Sơn, Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Lạng Sơn, Xí nghiệp tuyển khoáng và Nhà máy giấy Tràng Định. Tiếp nữa, việc xã hội hóa, huy động, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong công tác BVMT đang được thực hiện tương đối đồng bộ, nhất là sự tham gia của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vào hoạt động này được tăng cường.
Nhân dân thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) dọn vệ sinh môi trường
Trong thời gian qua, các tổ chức đoàn thể đều đã và đang tích cực tham gia BVMT thông qua các hoạt động tuyên truyền đưa nội dung liên quan đến môi trường tới 100% hội viên; trung bình mỗi năm mở trên 10 lớp tập huấn về công tác môi trường đến các chi hội trưởng hội nông dân, phụ nữ, bí thư đoàn xã trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động đồng bộ đó, ô nhiễm môi trường đã từng bước được ngăn chặn. Theo đó, các hoạt động BVMT diễn ra khắp nơi, dưới nhiều hình thức và mô hình khác nhau. Ở các xã trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình “cộng đồng cam kết, ký hương ước BVMT”; mô hình lồng ghép giảm hộ nghèo, tăng hộ khá với BVMT, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường đã và đang được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của nhân dân. Ở nội thị thị trấn, thành phố, các phong trào tự chủ, tự quản giải quyết các vấn đề môi trường, phổ biến là các hợp tác xã, công ty thu gom rác và vệ sinh môi trường đang phát triển rộng khắp; phong trào tình nguyện BVMT trong cựu chiến binh, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, nông dân… đã có tác động to lớn đến toàn xã hội. Điển hình như mô hình tự quản rừng nghiến nguyên sinh ở thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn; vệ sinh môi trường ở thôn Dốc Mới I, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng; các đoạn đường thanh niên tự quản vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn…
Tuy nhiên, môi trường ở tỉnh ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp: đất đai bị xói mòn, thoái hoá; chất lượng các nguồn nước suy giảm; không khí ở khu đô thị, cụm công nghiệp bị ô nhiễm; tài nguyên thiên nhiên trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, không có quy hoạch; đa dạng sinh học bị đe doạ nghiêm trọng; điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không bảo đảm. Trong khi đó, việc thanh kiểm tra thiếu kiên quyết, chế tài và lộ trình khắc phục sai phạm chưa cụ thể, đặc biệt chưa tập trung xử lý và thực hiện các kết luận sau thanh, kiểm tra. Hơn nữa, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, không đủ đáp ứng để xây dựng, hỗ trợ các công trình xử lý ô nhiễm môi trường nên ô nhiễm môi trường chậm được xử lý…
Môi trường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn ngày càng được cải thiện xanh – sạch – đẹp
Trước thực tế này, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư cùng chung tay BVMT được đặt lên hàng đầu. Kế nữa là việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng hợp tác quốc tế, khuyến khích xã hội hóa về BVMT. Xây dựng kế hoạch về kiểm soát ô nhiễm cho các đô thị, vùng ven đô, khu vực nông thôn và các cụm công nghiệp…
Để công cuộc BVMT thắng lợi, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và mỗi người dân, đi đôi với việc Nhà nước và các ngành chức năng phải đề ra nhiều giải pháp khả thi và đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động BVMT, xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hồ Xuân Hương
Ý kiến ()