Bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ: Cần biện pháp mạnh để ngừa tai nạn
LSO- Theo thống kê nhanh của Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn, trên các tuyến quốc lộ 1B, 4A, 4B, 279... (thuộc địa phận tỉnh) hiện có hàng trăm điểm vi phạm về hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Thời gian qua, cùng với các huyện, thành phố, lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông... đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.
Thực trạng lấn chiếm
Thực tế, trên các tuyến quốc lộ có những điểm được liệt vào danh sách “báo động” về tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. Cụ thể như dọc tuyến quốc lộ 1B chạy qua trung tâm thị trấn Bình Gia (ngã tư thị trấn), hành lang đường bộ đang bị bà con kinh doanh dọc 2 bên đường lấn chiếm để bày hàng hóa, ô che nắng (khu vực này từ lâu đã trở thành một chợ “cóc”). Việc này gây trở ngại không nhỏ đối với người tham gia giao thông, đặc biệt là đối với cánh lái xe khách tuyến Lạng Sơn – Thái Nguyên. Anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe khách tuyến Lạng Sơn – Thái Nguyên cho biết: “chúng tôi thường gọi đây là “điểm mù” vì vào thời điểm chiều, người kinh doanh, bán hàng ở khu vực này thường để nhiều ô che nắng lớn khiến che khuất tầm quan sát của lái xe…”.
Ngoài điểm ngã tư thị trấn Bình Gia, khu vực ngã ba thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cũng vậy. Lâu nay, người dân khu 4, thị trấn Na Dương vẫn quen mua bán thực phẩm tại khu chợ xép (ngã ba Mỏ). Điều đáng nói là khu chợ này lại họp ngay trên quốc lộ 4B, mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại, trong khi những người bán hàng lại lấn chiếm toàn bộ vỉa hè và một phần lòng đường làm nơi kinh doanh. Vào những giờ tan tầm buổi sáng và buổi chiều, người dân, công nhân các Công ty Than, Nhiệt điện ra mua thực phẩm thì giao thông khu vực này càng trở nên phức tạp.
Các hộ kinh doanh tại ngã tư trung tâm thị trấn Bình Gia lấn chiếm lòng đường để bán hàng
Dọc tuyến quốc lộ 1A cũng vậy, không chỉ có tình trạng bà con kinh doanh, buôn bán lấn đường mà còn tồn tại tình trạng tập kết cát. Những khối cát lớn được tập kết ngay sát quốc lộ 1A, lớn nhất là đoạn từ khu vực gã tư Mỹ Sơn đến ngã tư đèn đỏ giao cắt quốc lộ 1A với đường vào thị trấn Cao Lộc. Điều này khiến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện bị hạn chế. Qua đó tiềm ẩn những nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Giải pháp phòng ngừa
Để giảm thiểu tai nạn giao thông, thời gian qua, ngành giao thông vận tải phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố có các tuyến quốc lộ chạy qua tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến các hộ dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh dọc tuyến quốc lộ. Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Sở đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, các đơn vị quản lý đường bộ cùng với các đoàn thể của huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền để tổ chức, cá nhân dọc 2 bên quốc lộ như 1A, 1B, 4B… có nhận thức đầy đủ, rõ ràng các quy định của pháp luật về bảo vệ trật tự hành lang an toàn đường bộ. Tuyên truyền và phát tờ rơi để nhân dân hiểu rõ vai trò và tác dụng của hành lang an toàn đường bộ trong việc bảo vệ chính những hộ dân đang sinh sống dọc quốc lộ. Ngoài tuyên truyền, vận động các hộ vi phạm tự tháo dỡ những mái che, bạt, ô dù… lấn hành lang đường bộ. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2015, qua tuyên truyền, nhắc nhở đã có 1.071 trường hợp tự tháo dỡ các mái che bạt, ô dù, để vật liệu xây dựng vào trong khu vực an toàn của hành lang đường bộ.
Cần mạnh tay hơn
Trên thực tế, nhiều trường hợp đã chấp hành sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn còn đó những hộ dân vi phạm. Mặc dù thời gian qua lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử lý 267 trường hợp vi phạm nhưng như vậy là chưa đủ. Việc xử lý mới chỉ dừng ở việc tháo dỡ hiện trạng vi phạm và xử phạt hành chính. Tại một hội nghị do Sở GTVT chủ trì, thượng tá Dương Văn Toàn, Phó phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ thì phải cần những biện pháp mạnh hơn. Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng ngay từ cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, xử lý, giải tỏa những điểm kinh doanh, buôn bán, họp chợ tự phát trong hành lang an toàn đường bộ. Tiếp đó là cắm mốc xác định giới hạn phần đất hành lang an toàn. Và nếu tổ chức, cá nhân nào tiếp tục vi phạm thì xử phạt theo mức tăng dần…
Bài, ảnh: LƯU VŨ
Ý kiến ()