Bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia: Từ đề tài khoa học đi vào thực tiễn
Cán bộ Đồn Biên phòng Chi Ma nắm tình hình khu vực biên giới
Biên giới tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây – Trung Quốc) với chiều dài trên 231 km, trong đó hơn 223 km đường biên giới và 474 mốc giới. Sau khi đánh giá sâu thực trạng; phân tích nguyên nhân của hạn chế, đề tài đưa ra 6 nhóm giải pháp thực hiện hiệu quả công tác quản lý, BVBG ở Lạng Sơn gồm: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong BĐBP tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình của BĐBP, tuần tra bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng nhân dân, phối hợp với các lực lượng; nâng cao chất lượng công tác đối ngoại biên phòng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới.
Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ CH BĐBP tỉnh, thư ký của chủ nhiệm đề tài cho biết: Kết quả nghiên cứu của đề tài đã làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, BVBG, sát với tình hình thực tế của Lạng Sơn. Các giải pháp liên quan mật thiết với nhau, có tính khả thi trong ứng dụng. Hiện tại đơn vị đã và đang từng bước áp dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài, một số giải pháp có thể áp dụng được ngay thì đã được áp dụng.
Bằng việc làm cụ thể, thời gian qua, lực lượng BĐBP tỉnh đã thực hiện song song giữa nghiên cứu và áp dụng các nhóm giải pháp vào thực tiễn công tác bảo vệ đường biên, mốc giới. Cụ thể, những năm gần đây, cấp ủy, chỉ huy các cấp BĐBP tỉnh luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng; pháp luật của Nhà nước và các hiệp định, hiệp ước quốc tế, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác BVBG nói chung, bảo vệ đường biên, mốc giới nói riêng.
Kết hợp với đó là triển khai các biện pháp nắm tình hình một cách toàn diện. Đơn cử như trước tình hình phức tạp tại Biển Đông, Đảng ủy, Bộ CHBĐBP tỉnh đã chủ động nắm tình hình nhằm phát hiện các hoạt động ảnh hưởng đến biên giới đất liền để tham mưu với tỉnh và chỉ huy lực lượng thực hiện đúng các quy định về BVBG. Trong tổ chức quản lý, tuần tra BVBG, lực lượng biên phòng tỉnh luôn duy trì chế độ tuần tra, kiểm soát, canh phòng, phối hợp tuần tra song phương với lực lượng hữu quan của Trung Quốc để giải quyết, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biên giới góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, không để ảnh hưởng đến mối quan hệ chung. Từ năm 2010 – 2015, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các lực lượng trong tỉnh tuần tra đơn phương trên 4.300 lượt, tuần tra song phương 13 lượt. Qua đó phát hiện, xử lý 94 vụ vi phạm hiệp định biên giới, bắt 2.555 vụ phạm pháp và phát hiện, xử lý gần 62.000 trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong tỉnh và các địa phương Trung Quốc xác định, thống nhất được 87 vị trí cần cắm vật đánh dấu tại 7 khu vực đường biên khó nhận biết, triển khai cắm 70 cọc bê tông đánh dấu đường biên giới. Biên phòng tỉnh còn tham mưu và chủ trì tiến hành đấu nối đường giao thông tại 10 cửa khẩu; tổ chức khảo sát xây dựng 39 vị trí kè bảo vệ chân mốc biên giới có nguy cơ sạt lở, kè bảo vệ bờ sông Bình Nghi (Tràng Định), bờ suối Nà Căng (Lộc Bình), bờ suối Na Hình (Văn Lãng) với tổng chiều dài 3.350 m.
Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ CHBĐBP tỉnh cho biết: thời gian tới, biên phòng tỉnh tập trung củng cố, sửa chữa các công trình quân sự (trạm, chòi, đài quan sát…); ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trên biên giới; tăng cường tập huấn nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ; tăng cường tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, phấn đấu các đồn biên phòng thực hiện từ 1-2 lần tuần tra khép kín/tháng, 3-4 lần tuần tra điểm hoặc đoạn đường biên/tháng.
Ý kiến ()