tle=”Bảo vệ đề án trước bổ nhiệm cán bộ, ghi nhận từ Quảng Ninh”> Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh tiếp xúc với người dân ở phường Việt Hưng. Nghị quyết T.Ư 3 (khóa VIII) đã chỉ ra một trong những yếu kém của công tác cán bộ, là: “Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ nhiều khi còn chủ quan, chưa thật công tâm, chưa hợp lý, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức.
Bố trí cán bộ trong nhiều trường hợp còn nặng về cơ cấu, lúng túng, bị động…; hẹp hòi, định kiến, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ”. Khắc phục tình trạng này, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm việc cán bộ phải trình bày đề án công tác trước khi bổ nhiệm. Cách làm đề cao tính dân chủ đã tạo hiệu ứng tích cực; cán bộ thêm cơ hội thể hiện năng lực, tổ chức cũng nhờ đó chọn được đúng người.
Trao cơ hội vào tay cán bộ trẻ
Tranh thủ trò chuyện với đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh giữa hai buổi tiếp xúc với nhân dân ở phường Hà Khẩu, sự năng động và cầu thị ở người cán bộ trẻ (sinh năm 1973) cho chúng tôi sự tin tưởng vào khả năng đảm nhiệm cương vị mới – Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long, mà chị vừa được giao. Được biết, năm 2008, đồng chí Minh Thanh đang là Trưởng phòng ngân sách ( Sở Tài chính) được chọn là một trong năm ứng viên, và là ứng viên trẻ nhất tham gia trình bày đề án trước khi bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở. Nhưng khi đó, chị có nguyện vọng được tiếp tục học tập, hoàn thiện chương trình nâng cao chuyên môn nên xin rút khỏi danh sách. Tháng 11-2010, chị tiếp tục được chọn bảo vệ đề án và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Tài chính vào tháng 1-2011, và được luân chuyển làm Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long, sau đó tám tháng. Chị tâm sự: Đang làm công tác chuyên môn, khi được chọn tham gia bảo vệ đề án để lựa chọn người đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Sở Tài chính, tuy có phần lo lắng, nhưng điều đó thúc đẩy bản thân phải nỗ lực hơn. Đề tài tôi chọn là chi ngân sách nhà nước. Ngoài chuyên môn, lĩnh vực này liên quan hầu hết các bộ phận khác trong cơ quan, như văn phòng, phòng đầu tư xây dựng cơ bản, phòng thanh tra, tài chính… do vậy, quá trình chuẩn bị đề án giúp tôi nắm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của cả cơ quan, mở rộng hơn quan hệ đồng nghiệp, công việc… Qua tâm sự của chị, chúng tôi hiểu rõ thêm, việc bảo vệ đề án trước bổ nhiệm là trao cho cán bộ trẻ cơ hội phát triển; tạo môi trường để họ thể hiện khả năng, thêm sự tự tin; buộc họ phải đầu tư nghiên cứu vấn đề sâu hơn, toàn diện hơn và có cái nhìn tổng quát hơn.
Ngoài việc chuyển tải những ý tưởng có tính khả thi trong công việc thông qua nghiên cứu, trình bày và kiến nghị giải pháp thực hiện, khi bảo vệ đề án, ứng viên phải trả lời các câu hỏi chất vấn trực tiếp trước hội đồng thẩm định và đại biểu dự hội nghị. Đó là cơ hội bộc lộ năng lực, trình độ, mặt mạnh, yếu của ứng viên một cách rõ nét. Đây cũng được coi là khóa “đào tạo” ngắn hạn nhằm rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp vấn đề; kỹ năng thuyết trình, xử lý tình huống – một trong những yêu cầu quan trọng đối với cán bộ trên cương vị lãnh đạo, quản lý ở tầm cao hơn. Cùng quan điểm này, đồng chí Trần Thế Khoa, người bảo vệ thành công đề án “Xây dựng và phát triển Trung tâm giáo dục thường xuyên và đào tạo cán bộ tỉnh Quảng Ninh thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học uy tín, đáp ứng yêu cầu hội nhập”, và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm, cho rằng, cách làm này tạo tâm lý thoải mái cho cán bộ trẻ khi phải “cạnh tranh” với các ứng viên lớn tuổi hơn. Sự công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ đã cho cán bộ trẻ niềm tin, xác định những mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Và quan trọng hơn là sau bổ nhiệm, những giải pháp đã đề ra trong đề án trở thành hiện thực.
Từ đề án đến công việc
Gặp gỡ năm trong số những ứng viên được bổ nhiệm sau bảo vệ đề án, điều chúng tôi dễ nhận thấy là ý thức trách nhiệm và quyết tâm của cán bộ được lựa chọn, nhằm hiện thực hóa những giải pháp trong các đề án đã trình bày. Hơn một năm qua, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ngô Văn Hợi có thêm điều kiện thúc đẩy những ý tưởng đã ấp ủ khi làm đề án “Những mục tiêu và giải pháp cơ bản để phát triển giáo dục trung học tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2011-2015”, nhằm thu hẹp nhanh chênh lệch về giáo dục, đào tạo giữa các vùng trong tỉnh. Việc hình thành khối trường phổ thông dân tộc bán trú tại các huyện miền núi: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ; phong trào kết nghĩa giữa các trường ở khu vực thuận lợi, với các trường khu vực khó khăn… được triển khai là kết quả hiện thực hóa những ý tưởng trong đề án. Mục tiêu đến năm 2015 có 15 trường, đến nay đã có sáu trường hoàn thành mô hình Phổ thông dân tộc bán trú cùng những điều kiện thuận lợi để thu hút học sinh vùng cao đến trường. Với vai trò là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh, đồng chí tham gia chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới phương pháp dạy và học, hướng dẫn học sinh tự học, làm tiền đề đưa ra quyết định chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm; kiên quyết thực hiện việc học sinh tiểu học không học thêm; trong hè không dạy thêm, học thêm; phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi không thu tiền của học sinh, mà trích từ nguồn ngân sách tỉnh, cấp cho các trường công lập và dân lập…
Khác với cảnh đìu hiu thường thấy ở một số trung tâm giáo dục thường xuyên, khi đến Trung tâm giáo dục thường xuyên và đào tạo cán bộ tỉnh Quảng Ninh, các lớp học ngoại ngữ hoạt động khá sôi nổi. Vừa tiễn hai cô giáo người nước ngoài, đồng chí Trần Thế Khoa phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi đang nghiên cứu, từng bước áp dụng phương pháp học ngoại ngữ của các trường đại học ở Ca-na-đa, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc… Ngoài luyện kỹ năng nghe, nói với người nước ngoài, giảng dạy bằng giáo án điện tử, chúng tôi khuyến khích hình thức học ngoài trời, với nhiều hoạt động như hướng dẫn du lịch tại các điểm danh lam thắng cảnh, viện bảo tàng…”. Là một giáo viên vững chuyên môn, từng đảm nhiệm cương vị Trưởng khoa tiếng Anh, được đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngoài, khi được bổ nhiệm Phó Giám đốc, đồng chí luôn trăn trở cùng Ban Giám đốc tìm hướng phát triển Trung tâm theo hướng đào tạo đa ngành, mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết với các trường đại học trong nước mở các lớp đào tạo văn bằng 2; chú trọng công tác bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học và các lớp bồi dưỡng ngắn hạn khác cho cán bộ, công chức nhằm thực hiện tốt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2011-2015.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Biển, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, tính khả thi của đề án sau bổ nhiệm cán bộ có sự giám sát, theo dõi của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (với các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý), của tập thể cán bộ, công chức cơ quan và các ban, ngành liên quan. Sau bổ nhiệm một năm, cán bộ được bổ nhiệm phải thể hiện đóng góp tạo sự chuyển biến của cơ quan, đơn vị, sau hai năm phải tạo sự bứt phá. Qua 69 trường hợp đã được bổ nhiệm sau khi bảo vệ thành công đề án cho thấy, hầu hết đề án đều có tính khả thi cao.
Cách làm cần nhân rộng
Đã có nhiều năm gắn bó, tâm huyết với công tác tổ chức – cán bộ, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện về “nghề” tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Đồng chí cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, nhất là ở địa phương có những đặc thù như Quảng Ninh, Tỉnh ủy đã tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; chú trọng đổi mới quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai. Quy định về việc bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ thông qua bảo vệ đề án là một nét mới, vừa góp phần chọn đúng cán bộ có năng lực, vừa tạo động lực để cán bộ phấn đấu. Sau khi hiệu quả từ việc thực hiện quy định này được kiểm chứng, nhiều cấp ủy, địa phương, đơn vị đã vận dụng, học theo như: các thành ủy: Hạ Long, Cẩm Phả; các huyện ủy: Đông Triều, Tiên Yên; các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; cơ quan Tỉnh đoàn, Hội Nông dân…
Cách làm của Quảng Ninh là, trên cơ sở cán bộ được quy hoạch khi thống nhất danh sách cán bộ dự kiến bổ nhiệm (từ hai đồng chí trở lên), tổ chức sẽ thông báo cho cán bộ có tên trong danh sách chuẩn bị đề án công tác. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và lãnh đạo đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm thống nhất định hướng nội dung đề án để cán bộ chuẩn bị. Cán bộ được dự kiến bổ nhiệm phải trình bày đề án trước Hội đồng thẩm định (có từ năm đến bảy người) và lấy phiếu giới thiệu tín nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức cơ quan, đối với đơn vị có dưới 50 người trong biên chế; với đơn vị có hơn 50 người thì thành phần gồm cán bộ chủ chốt là trưởng, phó phòng ban, đơn vị trực thuộc và chuyên viên chính trở lên. Hội đồng thẩm định và cán bộ dự hội nghị có thể nêu câu hỏi chất vấn trực tiếp. Kết quả kiểm phiếu tín nhiệm và kết quả đánh giá chất lượng đề án bằng hình thức bỏ phiếu kín của các thành viên Hội đồng thẩm định là cơ sở quan trọng để xem xét đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Trường hợp không có người nào trong danh sách đạt số phiếu tín nhiệm hơn 50% trở lên thì phải báo cáo bằng văn bản, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Từ năm 2006 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã giới thiệu để bầu cử 274 đồng chí; luân chuyển, điều động và bổ nhiệm 260 đồng chí, trong đó có 69 đồng chí trình bày đề án công tác (đạt 100% so tổng số được bổ nhiệm tại chỗ, bằng 26,5% so tổng số cán bộ được bố trí, bổ nhiệm) và bổ nhiệm lại 61 đồng chí (trình bày báo cáo kiểm điểm công tác và phương hướng nhiệm vụ trước khi bỏ phiếu tín nhiệm đề nghị bổ nhiệm lại). Cách làm này đã góp phần nâng cao chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ các cấp của Quảng Ninh.
Có thể có cán bộ sau bổ nhiệm vẫn chưa thể hiện hết vai trò trên cương vị mới, và không phải đề án nào cũng đi vào cuộc sống như mong muốn. Tuy nhiên, cách làm của Quảng Ninh thể hiện sự sáng tạo, đề cao tính dân chủ, công khai trong công tác cán bộ; giúp cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá đầy đủ, khách quan năng lực cán bộ; là cơ sở giám sát, nhận xét quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ được bổ nhiệm một cách công tâm, minh bạch.
Theo Nhandan
Ý kiến ()