Bảo vệ đàn vật nuôi thời điểm giao mùa
LSO-Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ, độ ẩm biến động mạnh làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm suy giảm. Đây là khoảng thời gian dễ xảy ra các dịch bệnh trên đàn vật nuôi, vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động trong việc bảo vệ đàn vật nuôi của mình.
Cơ quan thú y phun thuốc khử trùng tại khu vực bán gia cầm ở chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn |
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2017, đàn gia súc, gia cầm của bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, bước sang tháng 10/2017 – thời điểm giao mùa đã xuất hiện ngay 2 ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò (tại xã Tân Việt, huyện Văn Lãng và xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng) với 42 con mắc bệnh. Khi phát hiện bệnh, Trạm Thú y 2 huyện này đã kịp thời xử lý, tiêm và phun thuốc phòng trừ, do vậy, đến thời điểm hiện tại, 39 con đã được điều trị khỏi bệnh lở mồm long móng.
Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Thú y, chúng tôi được biết, từ nay đến cuối năm, để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao, chi cục đã chỉ đạo trạm thú y các huyện và thành phố tiếp tục tham mưu cho chính quyền cùng cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào tỉnh nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan và ngăn chặn dịch từ nơi khác đến. Đồng thời làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm; tăng cường tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao. Theo đó, tính đến hết tháng 10, cơ quan thú y đã tiêm phòng các bệnh cho 99.029 lượt con gia súc, gia cầm. Trung bình mỗi tháng, cơ quan thú y thực hiện kiểm dịch và tiêm phòng dịch bệnh từ 11 đến 15 nghìn con gia súc, gia cầm ngay tại các chợ và kiểm soát giết mổ được khoảng 14 nghìn con gia súc, gia cầm/tháng.
Cùng đó, hiện đơn vị thú y đã và đang phối hợp với cơ quan thú y vùng II thực hiện lấy mẫu giám sát cúm gia cầm và thực hiện xét nghiệm tại chỗ, việc làm này nhằm giám sát dịch bệnh ngay từ khu vực buôn bán, giết mổ để có phương án xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Hai ổ bệnh lở mồm long móng ở nêu có số lượng vật nuôi mắc bệnh chưa lớn và thiệt hại cũng chưa lớn (1 con nghé bị chết), nhưng thực tế này cũng cảnh báo người chăn nuôi cần cảnh giác và chủ động theo dõi tình hình của đàn vật nuôi để nếu phát sinh bệnh thì sẽ có phương án điều trị kịp thời. Người chăn nuôi cần thực hiện tốt 5 khâu, đó là: tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh, chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin, thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, tăng cường quản lý chuồng trại.
Thực tế cho thấy, để việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt được hiệu quả cao nhất đòi hỏi chính người chăn nuôi luôn thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ông Đỗ Mạnh Lai, ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Hiện gia đình đang nuôi nhiều loại vật nuôi như: vịt, gà, lợn rừng…, từ đầu năm, gia đình đã chủ động tiêm vắc-xin phòng, chống các loại bệnh thường gặp ở đàn vật nuôi như: bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh, cúm… Cùng đó, chuồng trại của đàn vật nuôi cũng phải luôn sạch sẽ, thoáng mát với đầy đủ hệ thống máng ăn, nước uống được bố trí hợp lý. Song song với đó, gia đình còn chủ động trong việc phun thuốc, rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Hiện đàn vật nuôi của gia đình có đến gần 2 nghìn con gooồm cả gà và vịt. Chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của gia đình, nếu không chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi, dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại sẽ khó mà tính được.
Tìm hiểu được biết, vào thời điểm thời tiết chuyển lạnh, cơ quan chuyên môn của các huyện và thành phố đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt cuối cùng (theo kế hoạch của năm), đồng thời chủ động cấp thuốc phun tiêu độc khử trùng cho các xã để cán bộ thú y cơ sở thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại cho bà con chăn nuôi. Ngoài ra, cán bộ thú y còn hướng dẫn bà con chăn nuôi về chủng loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm để người dân chủ động tiêm cho đàn vật nuôi của gia đình.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()